Được lưu hành, sữa "dính án” melamine vẫn bị tẩy chay

(Dân trí) - Bộ Y tế vừa gửi công văn thông báo doanh nghiệp có lượng sữa có mức melamine dưới ngưỡng cho phép (1mg/1kg thể trọng), sẽ được đưa ra thị trường hoặc sản xuất. Nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp: sản phẩm đã “mang tiếng” không thể bán được và đang phải tiêu huỷ.

Sữa dưới ngưỡng được lưu hành trên thị trường

Ngày 18/12, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung đã có Công văn gửi Sở Y tế 63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể để giải tỏa cho các doanh nghiệp có lượng sữa nhiễm melamine, sữa không đảm bảo vệ sinh đã bị thu hồi trong tháng 10.

Theo đó, những doanh nghiệp có lượng sữa chứa melamine dưới ngưỡng cho phép (1mg/1kg thể trọng), đảm bảo vệ sinh, các chỉ số về an toàn thực phẩm thì sản phẩm đó sẽ được đưa ra thị trường, hoặc đưa vào sản xuất.

Cục ATVSTP sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh cho số hàng đó.

Với lượng sữa vượt quá ngưỡng melamine cho phép, Sở Y tế phải kết hợp với doanh nghiệp tổ chức tiêu hủy, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định của Bộ Y tế.

Công văn này được đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doang nghiệp có sản phẩm bị Bộ Y tế thổi còi trước đó.

Mỗi ngày huỷ hàng tấn sữa

Tuy nhiên, theo ông Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sữa Hà Nội (Hanoi milk), đến thời điểm hiện nay, công ty vẫn đang tiếp tục phải giải quyết hậu quả của “cơn bão melamine”.

Kể từ cuối tháng 9, khi Bộ Y tế thông báo sản phẩm sữa tiệt trùng Hi-P sôcôla và sữa chua có đường của Hanoi milk nhiễm melamine thì hàng trăm tấn sản phẩm đã bị thu hồi trên toàn quốc.

Đến nay, dù các sản phẩm này đã được cơ quan chức năng công nhận là an toàn nhưng không có siêu thị nào dám mua hoặc nhận lại bởi khách hàng đã quay lưng với thương hiệu này.

Cùng đó, do vòng đời ngắn, chỉ dùng trong 35 ngày sau sản xuất, sản phẩm sữa tiệt trùng Hi-P sôcôla cũng chỉ còn hạn sử dụng trong tháng 1 và 2/2009 nên chỉ còn cách tiêu huỷ.

Vậy là bắt đầu từ 18/12, công nhân ở Hannoi milk có thêm công việc mới, đó là mỗi ngày phải đem đổ khoảng 1 tấn sữa thành tươi và sữa chua có đường đã cận date vào hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Theo ông Tuấn, vì không muốn hàng bị tuồn ra ngoài và có thể bị tẩy date để bán ở những vùng xa xôi nên công ty đành làm việc bất đắc dĩ trên.

Ngoài ra, số nguyên liệu sữa bột nhiễm melamine ở mức thấp cho tới nay vẫn chưa được tháo gỡ niêm phong và hiện nằm trong kho. Vả lại, một số lô sản phẩm cũng đã quá date hoặc cận date, nếu không cũng rất khó bán khi đã mang tai tiếng.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, giám đốc công ty An Co- một doanh nghiệp cũng có sữa được giải phóng sau khi Bộ Y tế ban hành ngưỡng chấp melamine đối với thực phẩm cũng cho biết: Không dám hy vọng gì việc bán lại số sản phẩm nhiễm melamine dù ở mức thấp, bởi sau 3 tháng kể từ vụ việc diễn ra thì hầu hết sản phẩm đều sắp hết hạn dùng mà nếu còn, người tiêu dùng chắc cũng chẳng dám mua.

Chị Đỗ Thị Thanh Hải, Phó phòng hành chính quản trị Hanoi milk cũng cho biết, tình hình kinh doanh chung của đơn vị phục hồi khá chậm, hiện công nhân chỉ làm việc bằng một nửa thời gian trước đây do sản phẩm tiêu thụ được ít. Dù vậy, nhà máy vẫn cố gắng thu mua nguyên liệu sữa tươi của người chăn nuôi theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, không biết sẽ cầm cự được bao lâu bởi kho chứa đã đầy ứ nguyên liệu.

P. Thanh