“Đừng sống ở nơi không có bác sĩ”

Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 sắp tới, xin cùng nhìn nhận lại thật công tâm vai trò của nghề y trong xã hội hiện nay.

“Đừng sống ở nơi không có bác sĩ”

Có lẽ chưa năm nào, công chúng lại dễ đoán kịch bản của chương trình Gặp nhau cuối năm của VTV như Tết vừa qua. Màn luận tội “tưng bừng” nhất sẽ khó thoát khỏi bà Táo Y tế Vân Dung với “bảng cáo trạng” mà ai cũng biết… Nhưng xem rồi lại thấy nao nao! Ngọc Hoàng Quốc Khánh còn “long thể bất an” đến mức phải dùng người đóng thế, mà nếu không nhờ ngự y thiên đình, chắc cũng không trở lại được. Vậy là chẳng thể nào thiếu được ngự y! Lẽ thường ấy lại chẳng thấy kịch bản Táo quân khai thác.

Nghề “đổ vỏ”

Không biết mấy ai nghĩ về điều này chưa?! Có lẽ, không nghề nào lại phải dọn hậu quả (theo đúng nghĩa đen) của trăm thứ nguyên nhân như nghề Y. Tôi sẽ chứng minh cho các bạn:

(1) Thứ nhất, sức khỏe là cái trời cho. Gen di truyền là của cha mẹ. Không may, “bà mụ” cho ra đời một sản phẩm lỗi. Vậy, “ông trời” là người đầu tiên bắt ta gõ cửa bệnh viện.

(2) Thứ hai, chủ quan nên rước bệnh vào người là “chuyện muôn năm”… đúng. Mà, sức khỏe lại điều người ta dễ chủ quan nhất. Vậy hóa ra, con người ta luôn “tự nguyện” nhập viện.

(3) Thứ ba, bây giờ, thật giả khó phân biệt. Gà thải, trứng ung, thịt bò hết đát; mĩ phẩm, quần áo, giày dép, mũ bảo hiểm, nhan nhản, toàn hàng giả, hàng nhái... Vậy, chẳng phải các “vị ấy” góp phần tăng nguồn cung “nạn nhân” cho các bệnh viện sao?!

(4) Thứ tư, giao thông nguy hiểm. Đường xá chật chội, xuống cấp. Người đông, ý thức chấp hành luật kém. Xe quá khổ, quá tải, hết hạn đăng kiểm rầm rập ngày đêm. Máy bay lên trời còn rơi cả lốp... Tai nạn giao thông thành “cơm bữa”. Bệnh viện cứ thế mà tiếp nhận.

(5) Thứ năm, ra đường, một cái nhìn “vô thưởng vô phạt” cũng thành án mạng. Cướp giật, gây sự, đâm chém chỗ nào cũng có. Người ta lao cả vào bệnh viện truy kích, đánh chửi, đập phá. Bác sỹ, y tá, nhân viên y tế cứ thế mà xanh mặt, không trốn kịp, có khi cũng lên luôn bàn mổ.

Điểm qua mấy dẫn chứng để thấy nghề Y đúng là chỗ “dọn hậu quả” của cả xã hội. Ngành nào, nghề nào cũng có thể là nguồn cung “nạn nhân” dồi dào cho các bệnh viện.

“Đừng sống ở nơi nào không có bác sỹ”

Mượn câu ngạn ngữ Do Thái để thấy nghề y đúng là làm phúc cho thiên hạ. Mà, làm phúc thì có gì làm nấy, làm bằng tấm lòng và niềm tin.

Những ngành nghề, môi trường khác, nơi những con người khỏe mạnh, minh mẫn giao tiếp, ứng xử với nhau còn sinh sự khối chuyện. Vậy mà, cái công việc thường xuyên phải tiếp xúc với những con người “trầy da, tróc thịt”, tổn thương cả thể xác lẫn tâm hồn, sẵn sàng trở nên hung hăng, bất mãn bất cứ lúc nào, người làm nghề lại không được chút sơ xuất… Giờ mới hiểu, chẳng phải ngẫu nhiên, ở bất cứ trường y nào trên thế giới, những bài học đầu tiên của sinh viên y một, y hai chính là rèn luyện sự “vô cảm” hàng giờ đồng hồ trước những cơ thể người lạnh ngắt.

Nghe “vô cảm” thật đáng sợ! Nhưng “vô cảm” để đối mặt, xử lý những máu me, dịch nhầy, ổ nhiễm trùng, vết thương hở toác giữa ngổn ngang tiếng gào khóc, bấu víu; hay nhiều lúc là sự giận dữ, điên cuồng, bất cần đời của người bệnh và những người liên quan.

Ở cái ngành mà “trăm dâu đổ đầu tằm”, có lẽ, chỉ những gia đình có người làm ngành y mới hiểu những cơn giật mình giữa đêm hôm vì tiếng chuông điện thoại, tiếng đập cửa thình thịch hay ánh đèn, tiếng còi hú của những xe cứu thương trực chỉ lao đi vun vút…

Điều đó âu cũng là chuyên môn của người làm nghề cứu người. Nhưng cũng phải thấy áp lực công việc đè nặng lên vai họ. Bệnh tật ngày càng phức tạp. Cuộc sống đòi hỏi vẫn phải mưu sinh. Người làm nghề y có được lựa chọn giữa đức hy sinh và lợi ích?! Ai cũng sống vì mình đầu tiên, nhưng ngành y lại không được phép! Có cảm giác, trái đất, vạn vật thì vận động và biến đổi. Riêng nghề y không được phép xoay vần theo trục quay của tạo hóa... Có lẽ phải xin một chữ “công tâm” để trở lại cái nguồn gốc cao quý của chữ “Thầy” mà chính xã hội đã trao tặng.

"Thà thắp sáng một ngọn nến bé nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối"

Ở các bệnh viên tuyến trung ương, mỗi ca làm việc, một bác sỹ phải khám đến hai ba chục trường hợp. Và cứ mỗi ca là một lần phải nhắc đi lặp lại những hướng dẫn, yêu cầu. Người bệnh thì bỡ ngỡ, rụt rè. Chốc chốc, vài người vì sốt ruột mà bất thình lình xộc thẳng vào phòng khám để hỏi han, thắc mắc, mà chẳng thèm quan tâm đến quy trình hay số thứ tự. Bác sỹ thì đang tập trung chẩn đoán tình trạng của người bệnh. Chưa kể thủ tục, giấy tờ rối tinh rối mù. Có lẽ, thần kinh thép chắc cũng không thoát khỏi có lúc vô thức mà trở nên điên đầu, cáu gắt…

Nhưng kết lại, y đức vẫn phải đặt lên hàng đầu đối với người thầy thuốc. Sai sót trong y tế liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Muốn nhận sự cảm thông của xã hội, bản thân ngành y cần phải lấy y đức là nền tảng, phải hiểu và thực hành được đúng lời thề Hyppocrate đầu tiên “Trước tiên là không hại người”. Có như vậy mới không còn kịch bản Táo quân dễ đoán như năm nay nữa.

Còn chúng ta, những con người xã hội, vốn đã bị thương tổn cả thể xác và tâm hồn, cần lạc quan như triết lý trong câu ngạn ngữ Scotlent “Thà thắp sáng một ngọn nến bé nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”!

Nhạc Phan Linh

Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (2/2014)

-----------------------------------------------

* Hyppocrate (460 – 377 trước Công nguyên): Người thầy thuốc thực thụ không chỉ chữa khỏi bệnh, mà còn làm giảm nỗi đau và luôn luôn an ủi con người”.

* Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791): Người làm nghề y phải biết lo cái lo của người, vui cái vui của người”.