TPHCM:

“Đón đầu” dịch bệnh sốt xuất huyết

(Dân trí) - Theo BS. Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TTYTDP TPHCM, sốt xuất huyết (SXH) đang giảm dần theo mùa, nhờ các biện pháp phòng chống đã có hiệu quả, cũng như không có một ổ dịch lớn nào trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Dù vậy, thành phố cần có biện pháp kiên quyết hơn năm 2008 để ngăn chặn và đẩy lùi bệnh SXH khi mùa mưa (tháng 5-6) đang đến gần.

 

Ông Thọ cũng cảnh báo, 3 tháng đầu năm 2009, số ca SXH tăng 10,7% (2.535/2290 ca) so với 3 tháng năm 2008 và đã có 2 ca tử vong. Do đó, các địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng chống khi mùa mưa đến. 

 

Sở Y tế TPHCM dự kiến khống chế số ca SXH vào khoảng 6.300 ca, giảm tỷ lệ tử vong xuống 6 ca trong năm 2009 và không để xảy ra ổ dịch lớn trong cộng đồng. Ngoài ra, Viện Pasteur TPHCM sẽ triển khai 2 đợt dập dịch SXH, dự kiến vào tháng 4-5 và tháng 7-8.

 

Một trong những khó khăn làm cho công tác phòng chống SXH trên địa bàn thành phố kém hiệu quả là do hệ thống thông tin giám sát bệnh nhân còn thiếu sót như: Chỉ xác định được 60% nơi ở của bệnh nhân, 20% bệnh nhân có địa chỉ sai và 15% có địa chỉ nhưng lại không có người bệnh. Do đó đã bỏ sót nhiều bệnh nhân trong cộng đồng.

 

Các quận, huyện có số ca SXH tăng cao trong T3/09 là Q.6, 7, 8, 11, 12, Bình Chánh, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè…. Trong đó, có đến 40 phường, xã của các quận trên hầu như đều có trên 5 ca.

 

Theo báo cáo của BS. Nguyễn Minh Hùng, Phòng nghiệp vụ SY Tế TPHCM, năm 2008 cả nước có 82.592 ca mắc SXH, trong đó 90 ca tử vong. Đặc biệt, có đến 18/20 tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam có ca SXH tử vong, cao nhất là Bình Dương 13 ca, TPHCM 12 ca, Bạc Liêu 9 ca, kế đó là Cà Mau, Đồng Nai, Bình Phước…

Cũng theo báo cáo trên, SXH tăng liên tục trong 4 năm gần đây. Riêng TPHCM năm 2008 có 14.578 ca và SXH tăng đều ở tất cả các quận. Thậm chí, tại nhiều vùng, dịch bệnh này có quanh năm như Q. Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, Q.8, 12…

 

 

Ngọc Thanh