Đối phó cái lạnh tế tái bằng đốt than trong phòng kín dễ gây ra cái chết “êm ả”

(Dân trí) - Khoảng 22 giờ đêm 19/12, vì trời quá lạnh, anh Ngô Văn H. (làm việc tại Hưng Yên) liền cho vài cục than to vào chậu sắt, mang vào phòng, đóng kín cửa để ngủ. Đến 11 giờ sáng hôm sau, người dân xung quanh thấy bất thường, gọi không thấy anh H. đã phá cửa vào thì thấy anh H. đang nằm trên giường, hôn mê.

Phá cửa cứu người đàn ông hôn mê vì chống rét bằng đốt than củi

Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại BV Hưng Yên và chuyển ngay lên Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) trưa ngày 20/12.

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân hôn mê sâu vì đốt than sưởi ấm, các bác sĩ đã cấp cứu, hồi sức và giải độc. Đến hôm nay, bệnh nhân đã tỉnh lại, được rút ống ở nhưng nguy cơ tổn thương não cao.

Bệnh nhân ngộ độc khí than đã tỉnh lại nhưng chưa đánh giá được những di chứng thần kinh. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân ngộ độc khí than đã tỉnh lại nhưng chưa đánh giá được những di chứng thần kinh. Ảnh: H.Hải

Người nhà bệnh nhân cho biết, anh H. quê ở Hải Phòng làm thuê tại Hưng Yên. Phòng ngủ của anh chỉ khoảng 12m2, kín mít. Sau khi đốt than sưởi ấm và đi ngủ, sáng hôm sau anh H. không tỉnh dậy. Thấy H. không đi làm, mọi người đến gọi thì cửa khóa trong, anh H. không trả lời nên đã phá cửa phòng.

ThS. BS. Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, năm nào vào mùa đông Trung tâm cũng tiếp nhận những trường hợp hôn mê vì đốt than củi, than đá sưởi ấm.

Những bệnh nhân khi tỉnh lại, được hỏi đều chia sẻ cảm giác khi tỉnh giấc hoặc mơ hồ tỉnh dậy nhưng cảm thấy người cứ thiếp đi, không thể cử động được chân tay, ra khỏi giường…

“Các bệnh nhân đến viện, người thì đốt than củi trong phòng kín, rồi chị em phụ nữ thì hay mang cả bếp than tổ ong để góc phòng tắm tắm cho ấm. Đây là điều rất nguy hiểm, khi khí CO xâm nhập, oxy trong phòng kín dần bị chiếm hết, khí CO cũng ức chế khả năng vận chuyển oxy của máu rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các tế bào như não, tim.

Nhưng nguy hiểm ở chỗ bệnh nhân không kịp nhận ra được những bất thường, người ta lịm, ngất đi nhanh chóng mà không nhận ra nguy cơ, không thể thoát ra ngoài dù với người bình thường chỉ là một cái với tay mở toang cửa. Rất nhiều trường hợp tử vong tại chỗ hoặc đến viện đã tử vong”, BS Nguyên nói.

Tuyệt đối không đốt than, phát máy nổ trong phòng kín

BS Nguyên cho biết, bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Trong cái lạnh như cắt da cắt thịt, nhiều người nghĩ ra sáng kiến đốt củi sưởi ấm rất nguy hiểm, khi đốt trong phòng kín, đóng kín cửa.

“Phương pháp sưởi ấm bằng đốt củi, đốt than chỉ có thể thực hiện khi phòng rộng, có cửa, ống hút khói để lưu thông không chí. Còn nhà ống, phòng kín mà đóng kín cửa, đóng kín cửa sổ, đốt than sưởi ấm khi đi ngủ không khác gì tự sát, người ta sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng lịm đi vì khí CO”, BS Nguyên nói.

Khi phát hiện người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, lập tức đưa tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh cần hà hơi, thổi ngạt, ép tim.

Thời gian tách khỏi khí CO càng sớm, người bệnh càng có cơ hội sống, hồi phục. Còn hôn mê quá lâu do khí CO, não thiếu oxy sẽ để lại những di chứng lâu dài về thần kinh.

Hồng Hải