Cấp cứu thảm họa - Có kinh nghiệm nhưng chưa quy củ

(Dân trí) - Trong chiều hướng thảm họa gia tăng với mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, theo đánh giá chung, mặc dù đội ngũ y bác sĩ Việt Nam đã trải qua nhiều vụ cấp cứu thảm họa và ít nhiều có kinh nghiệm nhưng chưa đi vào tổ chức và quy củ.

Cấp cứu thảm họa - Có kinh nghiệm nhưng chưa quy củ - 1

Phát biểu tại hội nghị khoa học về cấp cứu thảm họa, sự cố y khoa và bạo lực y tế tổ chức ngày 15/12 tại bệnh viện Bạch Mai, GS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức - Cấp cứu và chống độc, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực bệnh viện Bạch Mai, đánh giá: “Thảm họa có chiều hướng gia tăng với mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, gây tác động lâu dài đến đời sống nhân dân khu vực có thảm họa và trên cả nước”.

Trên thực tế, có thể thấy nhiều vụ thảm họa lớn tại Việt Nam trong những năm gần đây như vụ hoả hoạn ITC, (2001), dịch SARS (2003), vụ lật tàu hỏa E1 (2005), bão Linda (2007), sập cầu Cần Thơ (2007); lũ lụt miền Trung (năm 2011, 2015, 2017), lũ quét- sạt lở núi (năm 2014, 2017), sập đường hầm thủy điện (năm 2013), cháy nổ tại nhà máy 121- Vĩnh Yên, tai nạn ô tô nghiêm trọng nhiều người chết, tai nạn máy bay trực thăng tại Thạch Thất (2015)…

Tất cả những thảm họa này đều được giảm nhẹ nhờ có sự tham gia tích cực của ngành y tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, mặc dù đội ngũ y bác sĩ Việt Nam đã trải qua nhiều vụ cấp cứu thảm họa và ít nhiều có kinh nghiệm nhưng chưa đi vào tổ chức và quy củ.

“Vụ cấp cứu thảm họa Lai Châu là một ví dụ điển hình. Khi các bác sĩ của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và bệnh viện Bạch Mai tới nơi xảy ra thảm họa thì đội ngũ bác sĩ ở địa phương đã thực hiện cấp cứu sơ bộ ban đầu. Tuy nhiên, nếu những cấp cứu này tốt hơn thì sẽ tránh được con số thương vong nhiều hơn”, PGS.TS. Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, dẫn chứng.

Làm rõ thêm vấn đề này, GS. Nguyễn Gia Bình chỉ ra: Tổ chức phân loại cấp cứu kịp thời ban đầu không tốn kém nhưng có thể cứu sống nhiều người tại chỗ cũng như góp phần vận chuyển chính xác người bệnh về các cơ sở y tế. Tuy nhiên, hiện mới chỉ chú ý tới hệ thống cấp cứu tại bệnh viện còn ngoại viện hiện nay chưa được quan tâm.

Hơn nữa, cấp cứu thảm họa không chỉ là công việc của riêng ngành y tế mà cần có sự phối hợp của các ban ngành khác. Bởi ngoài kỹ năng của y, bác sĩ, cần có sự hỗ trợ của các nhân tố khác (như: cảnh sát địa phương, lính cứu hỏa, đường xá, lái xe, phương tiện giao thông) để y bác sĩ tiếp cận được nạn nhân sớm nhất, tốt nhất.

Do đó, GS. Nguyễn Gia Bình đề xuất sự chung tay của các bộ ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ trong việc đào tạo hệ thống cấp cứu ngoại viện - một lĩnh vực đang bị bỏ ngỏ - để cứu sống được nhiều người, tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc.

Trần Phương