Đôi điều nên biết về tảo Spirulina

Spirulina đã được coi là một loại thức ăn cho sức khoẻ mà nhiều nước công nghiệp phát triển đưa vào nuôi trồng công nghiệp và sử dụng rộng rãi dưới nhiều dạng chế phẩm khác nhau…

Tảo Spirulina là gì?

 

Tảo Spirulina (Spirulina platensis) là một loài vi tảo có dạng xoắn hình lò so, mầu xanh lam với kích thước chỉ khoảng 0,25mm. Chúng sống trong môi trường nước giàu bicarbonat (HCO3) và độ kiềm cao (pH từ 8,5-11). Năm 1964, Brandily - một nhà nhân chủng học người Pháp là người đầu tiên phát hiện ra loài tảo này trong lần khảo sát sự đa dạng sinh học tại vùng hồ ở Tchad (Châu Phi) sau khi quan sát và nhận thấy những người dân sống quanh vùng hồ này rất khoẻ mạnh vì họ thường vớt loại tảo này về ăn như là một loại thực phẩm chính.

 

Hai mươi năm sau, vào những năm cuối thập kỷ tám mươi thế kỷ 20 - nhiều giá trị dinh dưỡng và chức năng sinh học của tảo Spirulina đã được khám phá và công bố rộng rãi không chỉ ở Pháp mà ở cả nhiều nước khác trên thế giới như Mỹ, Nhật, Canada, Mehico, Đài Loan… Hầu hết các nghiên cứu đều đã chỉ ra rằng tảo Spirulina rất giàu protein (tới 60-70% trọng lượng khô của tảo) trong khi thịt bò loại I chỉ có 21%, thịt gà ta 20,3%, thịt lợn nạc 19%, thịt chó sấn 16%... Chỉ số hóa học (chemical score - C.S) của protein của tảo cũng rất cao trong đó các loại acid amin chủ yếu như leucin, isoleucin, valin, lysin, methionin và tryptophan đều có mặt với tỷ lệ vượt trội so với chuẩn của tổ chức lương nông quốc tế (F.A.O) quy định. Hệ số tiêu hóa và hệ số sử dụng protein (net protein utilization - N.P.U) rất cao (80-85% protein của tảo được hấp thu sau 18 giờ).

Trong 100g bột tảo chứa tới 1g (1%) acid gama linolenic (tiền thân của chất prostaglandin, có tác dụng cùng với vitamin E chống vữa xơ động mạch, điều hòa huyết áp, bảo vệ gan và các tế bào thần kinh.

 

Spirulina có các loại vitamin nhóm B, hàm lượng vitamin B12 cao gấp 2 lần trong gan bò. Caroten cao gấp 10 lần trong củ cà rốt. Sắc tố tạo cho tảo có  mầu xanh lam (phycoyanin), các nguyên tố vi lượng như K, Mg, Fe, Mn, Zn cũng rất cao có lợi cho hoạt động của hệ thần kinh và tim mạch, chống lão hóa ngăn ngừa bệnh ung thư và kích thích sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân có hại từ bên ngoài. Đặc biệt - kẽm (Zn) và các acid amin: tryptophan, arginin có trong tảo giúp tăng cường khả năng hoạt động tình dục, tăng cảm giác hưng phấn tình dục ở nam giới (những người thiếu arginin có thể mắc chứng bất lực hoặc vô sinh).

 

Chính vì có những giá trị dinh dưỡng và giá trị sinh học đặc biệt như thế tảo Spirulina đã được coi là một loại thực phẩm chức năng (functional food) một thức ăn cho sức khoẻ (health food) và đã được nhiều nước, nhất là những nước công nghiệp phát triển đưa vào nuôi trồng công nghiệp và sử dụng rộng rãi dưới nhiều dạng chế phẩm khác nhau với sản lượng hàng trăm tấn ở mỗi nước một năm, đứng đầu là các nước Mehico, Mỹ, Nhật, Đài Loan v.v…

 

Tảo Spirulina có phát triển được  ở Việt Nam?

 

Tảo Spirulina được giáo sư Ripley D.Fox - nhà nghiên cứu về tảo và các chế phẩm của nó tại "Hiệp hội chống suy dinh dưỡng bằng các sản phẩm từ tảo" (A.C.M.A) tại Pháp đưa vào Việt Nam từ 1985. Trong những năm 1985-1995 đã có những nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học cấp nhà nước như nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Hữu Thước và cộng sự (Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với đề tài "Công nghiệp nuôi trồng và sử dụng tảo Spirulina". Hay đề tài cấp thành phố của Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng (TP Hồ Chí Minh) và cộng sự với đề tài "Nghiên cứu sản xuất và sử dụng thức ăn có tảo Spirulina trong dinh dưỡng điều trị" v.v

 

Cho đến nay, nhiều cơ sở nuôi trồng, sản xuất và chế biến các sản phẩm từ tảo Spirulina đã được thành lập với công nghệ nuôi tảo trên các bể nông xây bằng xi măng sử dụng khí CO2 của công nghệ tạo nguồn cacbon, nguồn CO2 trực tiếp lấy từ các nhà máy bia, cồn, rượu…nén hóa lỏng vào bình chứa. Đó là các cơ sở như Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Châu Cát, Lòng Sông (Thuận Hải), Suối Nghệ (Đồng Nai), Đắc Min (Đắc Lắc). Nguồn CO2 từ lò nung vôi (sau khi lọc bụi) và các hầm khí bioga cũng đã được nghiên cứu tận dụng để phát triển nuôi trồng tảo và cũng đã thu được một số kết  quả.

 

Các sản phẩm có tảo Spirulina trên thị trường Việt Nam hiện nay

 

Ngoài các sản phẩm Spirulina nhập từ Thái Lan, Trung Quốc… với nhiều tên gọi khác nhau, bán hàng theo phương thức phân phối đa cấp với tỷ lệ chiết khấu cao gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Các sản phẩm được chế biến từ tảo Spirulina tại Việt Nam cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng. Trước đây đã từng có bột dinh dưỡng Enalac, Sonalac (5% tảo), viên nang Linaforce của Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh, Lactogyl và Linavina của xí nghiệp Dược 24 thành phố Hồ Chí Minh (Công ty cổ phần Hóa dược phẩm Mekofa), viên Spirulina của Công ty nước suối Vĩnh Hảo. Nay đã có 5 sản phẩm Spir@ của Công ty DETECH (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên thị trường.

 

Đó là các sản phẩm: 

1.Spir@ B (Tảo bồi bổ) tảo xoắn Spirulina dùng cho người suy dinh dưỡng, người mới ốm dậy cần bồi bổ phục hồi sức khoẻ…

 

2.Spir@ HA (Tảo điều hoà huyết áp) Tảo xoắn Spirulina kết hợp tinh chất Hoa Hòe, Hoa Cúc dùng cho người bị tăng huyết áp, giảm stress và tăng cường trí nhớ cho người già….

 

3.Spir@ CĐ (Tảo phòng chống độc)  Tảo xoắn Spirulina kết hợp tinh chất Cao hạt nho: dùng để tăng sức đề kháng, chống độc, khử gốc tự do…

 

4.Dia-Spir@ (Tảo phòng chống tiểu đường) Tảo xoắn Spirulina kết hợp Vitamin, khoáng chất  dùng cho người bị bệnh đái tháo đường týp 1 và týp2.

 

5.Spir@ Cid (Tảo phòng chống ung thư): Tinh nghệ nguyên chất kết hợp với tảo xoắn Spirulina, Cao hạt nho dùng hỗ trợ cho việc phòng và chữa các bệnh ung thư.

 

Chúng ta không nên quá đề cao các loại thực phẩm chức năng, thần dược hóa chúng như những "vị thuốc chữa bách bệnh". Nhưng với xu thế hòa nhập cùng thế giới, nhất là sau khi đã tham gia vào WTO chúng ta cũng không thể phủ nhận những tác dụng của thực phẩm chức năng mà thế giới đã thừa nhận. Do vậy người tiêu dùng, nhất là người bệnh và những người có điều kiện về kinh tế (tài chính) nên tìm hiểu và nên sử dụng ngày càng nhiều hơn các loại thực phẩm chức năng như là tảo Spirulina vì sức khoẻ của chính mình.

 

TS.BS. Trần Đình Toán

Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Hữu Nghị

Phó Chủ tịch Chi hội Dinh dưỡng Lâm sàng

Uỷ viên BCH Hội Dinh dưỡng Việt Nam