TPHCM:

Doanh nghiệp sẽ phải chủ động kinh phí phòng chống HIV/AIDS

(Dân trí) - Đến năm 2020, các doanh nghiệp sẽ phải chủ động kinh phí phòng chống HIV/AIDS tại đơn vị mình. Đây là kế hoạch của thành phố trong bố cảnh nguồn ngân sách nhà nước không đủ bù vào khoản viện trợ phòng chống dịch bị cắt giảm.

Theo thống kê của UBND thành phố, sau 25 năm kể từ khi xuất hiện ca bệnh HIV đầu tiên, đến nay trên địa bàn có khoảng 60 nghìn người nhiễm HIV, hơn 10 nghìn người đã tử vong vì HIV/AIDS, số ca nhiễm mới qua mỗi năm vẫn đang ở mức cao. Trong khi lây nhiễm HIV qua đường máu giảm dần thì xu hướng nhiễm HIV qua đường tình dục đang tăng nhanh theo những diễn biến phức tạp của tệ nạn mại dâm và quan hệ đồng tính.

Mặc dù thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS, tuy nhiên độ bao phủ của các dịch vụ phòng chống vẫn chưa cao. Hiện 100% quận huyện triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại nhưng tỷ lệ tiếp cận nhóm nghiện chích ma túy mới chỉ đạt 60 - 65%; nhóm phụ nữ mại dâm 50-60%; nhóm quan hệ tình dục đồng giới 40%. Với 9 trung tâm điều trị methadone, thành phố mới chỉ tiếp nhận được khoảng 10% số người nghiện chích ma túy đến điều trị.

Bệnh nhân HIV/AIDS điều trị tại bệnh viện Nhân Ái
Bệnh nhân HIV/AIDS điều trị tại bệnh viện Nhân Ái

Hiện, số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS còn sống trên địa bàn thành phố khoảng 49 nghìn người. Sự thay đổi ý thức xã hội khiến nhu cầu điều trị bằng thuốc ức chế vi rút HIV; điều trị nghiện chất thay thế bằng methadone; hỗ trợ bơm kim tiêm, bao cao su, tham vấn xét nghiệm HIV… của người bệnh và đối tượng trong nhóm nguy cơ ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguồn viện trợ quốc tế cho chương trình phòng chống HIV/AIDS đang giảm dần, dự kiến đến năm 2018 thành phố sẽ phải tự chủ về kinh phí, nhưng hiện nay mức chi ngân sách nhà nước vào phần thiếu hụt do viện trợ bị cắt không đủ đáp ứng.

Trong tình hình hình khó khăn về kinh phí, TPHCM vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2030. Thành phố đang tiến hành lồng ghép các hoạt động tham vấn xét nghiệm HIV - điều trị methadone - điều trị ARV để tinh giảm biên chế; xã hội hóa việc điều trị methadone, ARV sớm cho người nhiễm HIV; triển khai chi trả bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.  

Để thích nghi trong tình hình mới và bảo vệ thành quả đã đạt được trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND thành phố vừa ký quyết định ban hành kế hoạch thực hiện đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại TPHCM. Theo đó, hàng năm, thành phố sẽ tăng nguồn ngân sách nhà nước, đảm bảo đủ để bù đắp cho hoạt động phòng chống dịch. Trước mắt, thành phố sẽ huy động nguồn viện trợ quốc tế đạt tỷ lệ 50% tổng chi phí chống dịch của các đơn vị trong giai đoạn 2015 đến 2016 và khoảng 10% năm 2020.

Đến năm 2020, ít nhất 80% các doanh nghiệp sẽ phải chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp mình; đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định.

Vân Sơn