Dinh dưỡng - “Thuốc” kiểm soát bệnh

(Dân trí) - Nhiều người bệnh bất ngờ khi thấy trong bệnh án, bên cạnh nội dung chẩn bệnh, thuốc chữa, bác sĩ điều trị chỉ định chế độ ăn vào bệnh án. Mô hình bữa ăn theo bệnh lý tại bệnh viện đang được Bộ Y tế mở rộng để giúp bệnh nhân hồi phục nhanh nhất.

Ăn để chữa bệnh

Theo BS Đinh Thị Kim Liên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng BV Bạch Mai, dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng với bệnh nhân nằm viện. Có nhiều bệnh nhân, chỉ dùng thuốc không thể kiểm soát bệnh mà phải điều chỉnh bằng chế độ dinh dưỡng.
 
Dinh dưỡng - “Thuốc” kiểm soát bệnh - 1
Được ăn theo chế độ bệnh lý, người bệnh sẽ nhanh hồi phục
và kiểm soát bệnh tốt hơn (Ảnh: H.Hải)

Tại hội nghị báo cáo tổng kết dự án “Xây dựng mô hình điểm và nguồn lực dinh dưỡng lâm sàng” do Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức hôm 10/4, các chuyên gia lại một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của dinh dưỡng với người bệnh.

Dinh dưỡng tốt, đúng khoa học, tuân thủ theo yêu cầu bệnh lý sẽ giúp bệnh nhân mau hồi phục bệnh, rút ngắn thời gian nằm viện. Vì thế, ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc cung cấp dinh dưỡng là một phần không thể thiếu của phác đồ điều trị.

Chính vì tầm quan trọng của dinh dưỡng với người bệnh, nên từ năm 2004, Bộ Y tế đã giao Viện Dinh dưỡng “Xây dựng mô hình điểm và nguồn lực dinh dưỡng lâm sàng”, triển khai trong 3 năm với mức kinh phí 3,3 tỷ đồng do Cty Dutch Lady tài trợ. Dự án bước đầu được thí điểm tại 7 bệnh viện thuộc các thành phố Hà Nội, Huế, TPHCM, Đồng Nai, Thái Nguyên với việc cung cấp bữa ăn theo bệnh lý cho người bệnh nằm viện, dựa trên “hướng dẫn nguyên tắc chế độ ăn bệnh viện” của Bộ Y tế.

Tổng kết dự án cho thấy, các bệnh viện triển khai gần 100% các chế độ bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và ở tất cả các khoa, phòng như BV Từ Dũ, BV Bạch Mai. Ở các bệnh viện này đã tổ chức tốt chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh. Tỷ lệ người bệnh được ăn, chế độ bệnh lý/số người cần chế độ bệnh lý từ 80 - 100%.

Bệnh viện đa khoa khuc vực Thống Nhất Đồng Nai, BVĐK TƯ Huế, ĐK Thái Nguyên triển khai khoảng 40% chế độ ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế (khoảng 700 người bệnh/ngày trong đó cung cấp xuất ăn bệnh lý cho khoảng 600 người/ngày).

Theo chị Nguyễn Phương Linh, bệnh nhân tiểu đường điều trị tại Khoa Nội Tiết (BV Bạch Mai), chị rất ái ngại mỗi lần phải đi ăn cơm ngoài vì tự mình khó tính toán được lượng calo nạp vào, nên ăn đồ xào, đồ luộc với tỉ lệ ra sao… Từ khi đặt bữa tại nhà ăn bệnh viện, chị thấy yên tâm hơn vì mỗi bữa ăn của từng bệnh nhân đã được các chuyên gia dinh dưỡng tính toán theo bệnh lý, với hàm lượng calo và dinh dưỡng phù hợp.

Thuyết phục người bệnh ăn theo chế độ bệnh lý

Ăn theo chế độ bệnh lý giúp kiểm soát bệnh tốt. Tuy nhiên ở những khoa Dinh dưỡng, việc thực hiện các chế độ ăn cho người bệnh gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Có nhiều người bệnh nhân nghèo muốn đi ăn cơm bụi để tiết kiệm chi phí, hay cũng có những gia đình khá giả, khi thấy người thân bị tiểu đường, cao huyết áp bị kiểm soát ăn quá chặt thì không hài lòng mà muốn thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của gia đình bằng những bữa ăn giàu dinh dưỡng.

Ngoài ra, vì xuất ăn còn chưa đáp ứng nhu cầu khẩu vị của người bệnh; chưa có chế tài phạt cá nhân, tổ chức không triển khai, chỉ định, thực hiện chế độ dinh dưỡng cho người bệnh nằm viện hoặc thưởng khi triển khai tốt… cũng là yếu tố khiến dinh dưỡng theo bệnh lý chưa được quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, chính vì chưa có quy định bắt buộc người bệnh phải ăn chế độ bệnh viện khiến số lượng bệnh nhân được ăn theo chế độ bệnh lý vẫn rất hạn chế, dẫn đến việc kiểm soát bệnh khó khăn hơn, nhất là với các bệnh về chuyển hoá, bệnh thận…

Dù bữa ăn dinh dưỡng được các bác sĩ chỉ định như một dạng thuốc đặc biệt nhưng không phải bệnh nhân nào cũng lập tức thích nghi ngay. Vì thế, để thuyết phục, thu hút người bệnh ăn theo bệnh lý, các bệnh viện đều cố gắng đưa ra những thực đơn phong phú nhưng giá cả thì có thể chấp nhận được.

Theo BS Liên, Khoa dinh dưỡng BV Bạch Mai đã xây dựng 90 chế độ ăn cho người bệnh theo bệnh lý, kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ ăn đó. Ngoài ra khoa luôn bổ sung chế độ ăn mới để phù hợp với bệnh nhân, cải tiến thực đơn thường xuyên. Còn với những trường hợp đặc biệt, khoa Dinh dưỡng luôn tiến hành hội chẩn để chỉ định kịp thời chế độ ăn cho bệnh nhân.

Đến nay, tại bệnh viện Bạch Mai, hầu hết bệnh nhân đều được ăn theo chế độ bệnh lý. Hiện số bệnh nhân được cung cấp xuất ăn tại giường trung bình là 1.200 - 1.400 bệnh nhân/ngày. Số bệnh nhân còn lại được tư vấn về chế độ ăn và tự chọn tại căng tin bệnh viện.

Theo TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế thí điểm mô hình bữa ăn theo bệnh lý và mong muốn sẽ mở rộng mô hình này nhằm giúp người bệnh quen với chế độ ăn khoa học để đảm bảo sức khỏe. Dinh dưỡng tốt, đúng khoa học, tuân thủ theo yêu cầu bệnh lý sẽ giúp bệnh nhân mau hồi phục bệnh, rút ngắn thời gian nằm viện.

Hồng Hải