Dinh dưỡng khi mang thai

(Dân trí) - Ăn uống khi mai thai đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và thai nhi. Sau đây là một số nguyên tắc giúp bạn có thể xây dựng cho mình một chế độ ăn uống hợp lý.

1. Điều chỉnh chế độ ăn uống

 

Hầu hết các phụ nữ mang thai đều cần tăng hàm lượng protein, vitamin và các loại khoáng chất như sắt, axit folic và calo trong khẩu phần ăn của mình.

 

Nếu như trước đây bạn ăn rất kém, bạn nên chuyển sang một chế độ giàu chất dinh dưỡng và cân bằng. Hãy hạn chế ăn vặt vì nó cũng không mang lại lợi ích gì nhiều.

 

2. Một số loại thực phẩm và đồ uống nên tránh

 

Khi mang thai bạn không nên dùng các loại hải sản tươi sống(như sò huyết hay susi sống), sữa chưa tiệt trùng hoặc các loại pho mát mềm, các loại thịt sống hay nấu chưa chín. Đây là những nguồn đưa các loại vi khuẩn vào cơ thể và có hại cho thai nhi.

 

Bạn cũng không nên uống rượu bia vì uống rượu có thể khiến cho thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ và rối loạn cảm xúc.

 

Ngoài ra các bạn cũng nên hạn chế sử dụng các loại đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, trà, coca - cola. Tốt nhất nên uống những loại đồ uống bổ dưỡng như sữa không kem, nước ép trái cây hay nước chanh.

 

3. Bổ sung vitamin và khoáng chất

 

Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ cung cấp cho cơ thể và thai nhi những vitamin và khoáng chất cần thiết. Cần đảm bảo đủ từ 600 - 800mg axit folic mỗi ngày.

 

Thiếu vitamin B có thể dẫn đến trẻ bị dị tật như nứt đốt sống. Khi mang thai đến thời kỳ cuối, bạn cần bổ sung sắt và canxi.

 

4. Không nên ăn kiêng

 

Ăn kiêng trong giai đoạn mang thai có thể nguy hiểm cho chính bản thân bạn và thai nhi. Hãy nhớ, tăng cân là một trong những dấu hiệu tích cực nhất cho thấy sản phụ và thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh.

 

5. Trọng lượng cơ thể tăng đều

 

Bạn cần tăng từ 11,5kg đến 16kg khi mang thai. Thời điểm bạn tăng trọng lượng cũng quan trọng không kém tổng số trọng lượng bạn tăng trong suốt quá trình mang thai.

 

Bạn phải tăng ít nhất từ 1kg đến 2,5kg trong 3 tháng đầu tiên và sau đó tăng cân đều đặn và tăng nhanh nhất là ba tháng cuối cùng, khi thai nhi phát triển nhanh nhất.

 

6. Bốn giờ ăn một bữa

 

Thậm chí nếu bạn không đói những rất có thể đứa con trong bụng bạn bị đói, chính vì vậy bạn nên duy trì khoảng cách giữa các bữa ăn là 4giờ. Tuyệt đối không được bỏ bữa. Bạn cần ăn đủ bữa vì đứa con trong bụng bạn cần được cung cấp chất dinh dưỡng thường xuyên.

 

7. Thỉnh thoảng có thể ăn đồ ngọt

 

Bạn không nên sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm chế biến công nghiệp, đồ ăn sẵn đóng gói và các đồ tráng miệng chứa nhiều đường. Hãy ăn mứt chuối, đồ tráng miệng là nước trái cây ép không béo, hoặc bánh quy phết sữa chua.

 

Bạn cũng không nên quá khắt khe với mình trong chuyện ăn uống, thỉnh thoảng ăn một miếng bánh nướng hay bánh quy không có hại gì cho bạn và thai nhi.

 

Ăn uống hợp lý và khoa học bạn hãy yên tâm là mình và thai nhi luôn phát triển tốt.

 

Quỳnh Liên

Theo Woman’s Health

Dòng sự kiện: Mang thai