Đỉnh dịch cúm A/H1N1 sẽ rơi vào 2 tháng cuối năm

(Dân trí) - Hiện cả 20 tỉnh thành phía Nam đều có người mắc cúm A/H1N1, đỉnh dịch sẽ rơi vào 2 tháng cuối năm với số ca mắc cúm sẽ tăng nhanh và cao.

Đây là nhận định và dự báo của TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường tại Hội nghị "Triển khai kế hoạch quốc gia phòng chống dịch cúm A(H1N1)” cho các tỉnh phía Nam, diễn ra ngày 17/9 tại TPHCM.

 

Theo ông Nguyễn Huy Nga, khi thời tiết chuyển sang mùa đông sẽ là điều kiện thích hợp cho virus cúm phát triển. Khi đó, không chỉ số ca mắc tăng cao mà số ca tử vong cũng sẽ tăng  nhanh theo. Do đó, trong giai đoạn tới, ngành y tế cần tăng cường phòng chống mọi mặt nhằm hạn chế cả 3 vấn đề về số ca mắc mới, số ca biến chứng và cả số ca tử vong.

 

Ngoài ra, để có thể phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng và môi trường yêu cầu các cơ quan chức năng phải liên tục giám sát tại các cửa khẩu, cộng đồng, giám sát chùm ca bệnh, đặc biệt chú trọng giám sát đến sự biến đổi của virus cúm A/H1N1.

Một thực trạng khác được các đại biểu đề cập là tình trạng quá tải của Viện Pasteur trong việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nghi cúm A/H1N1. Do là đơn vị duy nhất thực hiện xét nghiệm cúm A/H1N1 cho 20 tỉnh thành phía Nam (chiếm 80% tổng số ca dương tính với cúm A/H1N1 trên cả nước), mỗi ngày chỉ thực hiện được 300 mẫu xét nghiệm nên hiện viện còn tồn hơn 700 mẫu bệnh phẩm.

 

Qua kết quả thâu nhận được từ công tác điều trị cho thấy có nhiều trường hợp dị ứng hay chậm đáp ứng với thuốc Tamiflu, nhưng khi áp dụng điều trị với thuốc Relenza lại có kết quả rất khả quan. TS Nguyễn Huy Nga cho biết, đã đề nghị Bộ Y tế nhập 10.000 liều Relenza (Zanamivir) để tăng cường cho công tác điều trị.

 

Cúm A/H1N1: Điều trị tại chỗ không chuyển tuyến

 

Bộ Y tế chỉ đạo, bệnh nhân cúm A/H1N1 cần cách ly, điều trị tại chỗ tại bệnh viện huyện và các bệnh viện thuộc mạng lưới điều trị cúm. Chỉ những trường hợp nặng, vượt quá khả năng mới được chuyển lên bệnh viện tuyến trên, nhằm giảm khả năng lây lan.

 

Đó là nội dung trong công văn chỉ đạo việc điều trị cúm A/H1N1 mà Bộ Y tế vừa ban hành, nhằm đảm bảo việc điều trị bệnh nhân cúm được thực hiện sớm, hiệu quả và giảm nguy cơ lan rộng ra cộng đồng.

 

Theo đó, với những trường hợp nghi ngờ cúm A/H1N1 không rõ nguồn lây, không có xét nghiệm PCR hoặc chưa có kết quả xét nghiệm nhưng ở địa phương đang có dịch lây lan trong cộng đồng thì có thể tiến hành điều trị ngay bằng Tamiflu cho người bệnh.

 

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu được tư vấn, xét nghiệm của nhân dân, những người không có triệu chứng cúm nhưng vẫn muốn xét nghiệm... các bệnh viện có thể thiết lập phòng khám, tư vấn và xét nghiệm cúm A/H1N1 tự nguyện để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Tuy nhiên với các phòng xét nghiệm chẩn đoán cúm A/H1N1 phải đạt “Tiêu chuẩn phòng xét nghiệm chẩn đoán cúm A/H1N1 mà Bộ Y tế ban hành.

 

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc thực hiện cách ly và điều trị bắt buộc đối với các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A/H1N1, không để các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A/H1N1 bỏ điều trị mà không theo dõi, giám sát, cách ly và điều trị, dẫn đến nguy cơ lây lan cho cộng đồng và có thể có biến chứng nặng gây tử vong.

 

Ngọc Thanh - Hồng Hải