Điều trị suy thận bằng phương pháp lọc máu tại nhà

(Dân trí) - Thay vì khăn gói lỉnh kỉnh đến bệnh viện để chạy thận nhân tạo, bệnh nhân suy thận mạn có thêm một sự lựa chọn, đó là điều trị ngay tại nhà bằng phương pháp lọc màng bụng.

Thuận lợi cho người bệnh

Chị Nguyễn Thị Hoa Mơ (30 tuổi), Gia Lâm, Hà Nội bị suy thận mạn độ 3, buộc phải tiến hành lọc máu để điều trị. Thế nhưng, chị còn vướng con nhỏ ở nhà rồi công việc nên không tiện vào bệnh viện để chạy thận nhân tạo.

Vì thế, chị quyết định lựa chọn phương pháp “lọc màng bụng” - cũng có giá trị lọc máu như chạy thận nhân tạo nhưng thay vì phải đến viện 4 lần mỗi tuần, chị có thể lọc máu hàng ngày ngay tại nhà và vẫn có thể chăm lo cho gia đình, con cái.

TS. Đinh Thị Kim Dung, trưởng khoa Thận - Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết: "Tại Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng con số người mắc bệnh suy thận mạn tính ngày càng tăng. Tại khoa, số bệnh nhân mạn tính nằm điều trị luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số bệnh nhân điều trị nội trú, khoảng 40%".

Theo TS Dung, khi suy thận tiến triển đến giai đoạn cuối thì bệnh nhân cần được điều trị thay thế bằng ghép thận hoặc lọc máu. Lọc máu là phương pháp được lựa chọn nhiều vì ghép thận không phải lúc nào cũng thuận lợi như tìm được người cho thận…

Với phương pháp lọc máu, bệnh nhân có thể lựa chọn chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng liên tục ngoại trú. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo chỉ thực hiện được tại các cơ sở y tế có điều kiện còn lọc màng bụng có thể thực hiện ngay tại nhà người bệnh. Do vậy giảm đáng kể tình trạng quá tải ở bệnh viện, cũng như chi phí nằm viện, sinh hoạt, chăm nom.

“Đây cũng là điểm thuận lợi của lọc màng bụng mà nhiều bệnh nhân các tỉnh xa cơ sở chạy thận nhân tạo chọn lựa. Thay vì phải thuê nhà trọ rồi cách ngày đi chạy thận nhân tạo một lần, bệnh nhân sau khi được hướng dẫn lọc màng bụng có thể về nhà, tự thao tác lấy mỗi ngày. Phương pháp này không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, làm việc của người bệnh”, TS Dung nhấn mạnh.

Chi phí ban đầu cho một ca phẫu thuật đặt Catheter thường khoảng 3 - 5 triệu đồng tùy theo kỹ thuật mổ và loại thiết bị. Tiếp đó, chi phí cho dịch lọc, thuốc và vật tư tiêu hao khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng/bệnh nhân. Nếu có bảo hiểm, bệnh nhân sẽ được bảo hiểm thanh toán theo quy định.

 

Khoa Thận - Tiết niệu. Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã thực hiện thành công trên 200 bệnh nhân bằng phương pháp này. Các bệnh nhân quan tâm đến phương pháp lọc màng bụng có thể gọi điện để được tư vấn qua điện thoại, số máy 04.8686988 (máy lẻ 3544 hoặc 3543).

Vì trong cách lọc máu này, màng bụng như một máy chạy thận nhân tạo nhưng thay vì dùng màng lọc nhân tạo thì màng bụng (lớp mỏng lót mặt trong ổ bụng) được sử dụng để lọc các chất độc và điều chỉnh nước - điện giải và thăng bằng kiềm - toan cho cơ thể.

Với phương pháp này máu sẽ được lọc liên tục trong ngày, không cần đến bệnh viện và việc ăn uống cũng tự do hơn so với chạy thận nhân tạo.

Lọc máu bằng phương pháp này, người bệnh mỗi tháng chỉ phải đến bệnh viện một lần để kiểm tra và lấy dịch. Hơn nữa, ngoài thời gian lọc, người bệnh vẫn có thể lao động, sinh hoạt như bình thường nên không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sống cũng như công việc.

Đơn giản, dễ thực hiện

Sau khi đến bệnh viện để đặt ống catheter tại vùng bụng - là đường dẫn đưa dịch lọc vào ổ bụng. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thao tác tại bệnh viện, khi thành thục sẽ được xuất viện, điều trị ngoại trú.

Mỗi ngày, bệnh nhân thực hiện khoảng 4 lần lọc màng bụng, đưa khoảng 2 lít dịch vào ổ bụng mỗi lần. Mỗi lần thực hiện chỉ mất khoảng 30 phút. Sau khi đưa dịch lọc sạch vào ổ bụng, các chất độc trong máu sẽ thẩm thấu qua các mạch máu màng bụng vào dịch lọc. Sau đó, dịch lọc chứa các độc tố sẽ được thải qua ống nhỏ đã được đặt cố định ra ngoài.

“Với phương pháp lọc màng bụng, quá trình lọc máu diễn ra liên tục, vì thế bệnh nhân luôn ổn định, tránh hội chứng mất cân bằng. Hơn nữa, phương pháp được áp dụng cho mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với trẻ em, người bị các bệnh lý tim mạch: suy tim, rối loạn nhịp, huyết áp... Nó giúp duy trì chức nặng thận tồn dư lâu hơn, giảm nguy cơ mất máu và lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm hơn so với chạy thận nhân tạo”, TS Dung nói.

Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý, đó là bệnh nhân lọc màng bụng cần chú ý đến vấn đề vệ sinh, yêu cầu là phải vô trùng tuyệt đối. Trước khi thực hiện thao tác truyền dịch, cần vệ sinh tay, thân thể sạch sẽ, đeo khẩu trang theo đúng quy định… Nếu không vô trùng tốt, bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng, nếu bị viêm phúc mạc có thể tử vong, hoặc bệnh nhân bị tắc Catheter lúc đó sẽ phải chuyển sang thận nhân tạo.

Trong quá trình lọc máu tại nhà, nếu bệnh nhân thấy có các biểu hiện bất thường như dịch lọc chảy ra đục, dịch hơi hồng, sốt, đau bụng, đi ngoài... hoặc dịch vào và ra chậm, không như bình thường... thì phải báo ngay cho nhân viên y tế theo dõi rồi làm theo hướng dẫn và nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Hồng Hải