Điều trị nghiện ma tuý: cần thời gian dài và kết hợp nhiều biện pháp

(Dân trí) - Một điều dễ nhận thấy là cách cai nghiện ma tuý theo kiểu cắt cơn, cách ly khỏi xã hội trong nhiều năm qua ở nước ta và nhiều nước trên thế giới đã không thu được kết quả như mong đợi, bởi tỉ lệ tái nghiện quá cao và khả năng hoà nhập xã hội thấp. Vậy đâu là giải pháp?

Những kinh nghiệm quốc tế

Theo thông tin từ Uỷ ban Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS và ma tuý, mại dâm, Bồ Đào Nha là quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức bãi bỏ tất cả các hình phạt hình sự đối với người sử dụng ma tuý (bao gồm cần sa, cocaine, heroine và methamphetamine) vào năm 2001.  Kể từ đó, hình phạt với những người bị bắt với lượng nhỏ ma túy cũng ngang với hình phạt đỗ xe trái phép.

Sau 14 năm thực hiện chính sách này, công tác phòng chống ma túy của Bồ Đào Nha đã thu được những kết quả tích cực.

Thay vì hơn có hơn 100.000 người nghiện ma tuý mới và khoảng 400 người chết do quá liều cách đây 14 năm, nay tỉ lệ tử vong do dùng thuốc quá liều chỉ là 3 phần triệu. Trong khi đó ở Anh, con số này là 44 người trong 1 triệu người và ở Hà Lan 10 người trong khi mức trung bình của EU là 17 người chết quá liều.

Báo cáo cũng lưu ý mức sử dụng các chất hướng thần tổng hợp mới như cần sa tổng hợp và "muối tắm" đã giảm mạnh, với tỷ lệ sử dụng những chất này ở người trưởng thành trẻ tuổi (tuổi từ 15-24) chỉ có 0,2 %.

Còn tại Thái Lan, hơn 10 năm trước năm 2012, đa số người nghiện ma túy ở Thái Lan là người nghiện heroin. Khi Chính phủ Thái Lan phát động cuộc chiến chống lại ma túy với việc kiểm soát chặt chẽ sản xuất và sử dụng heroin bất hợp pháp, thị trường tiêu thụ ma túy bất hợp pháp ở Thái Lan chuyển sang các loại ma túy kích thích dạng Amphetamine với hơn 80% người nghiện ma túy tại Thái Lan hiện nay sử dụng loại ma túy này.

Đến năm 2013, Nhà nước Thái Lan đưa ra 4 chiến lược để phòng chống ma túy gồm: Chiến lược giảm cầu sử dụng ma túy; Chiến lược về bắt giữ tội phạm ma túy; Chiến lược về điều trị; Chiến lược quản lý và điều hành.

Trong chiến lược điều trị, Thái Lan đặt ra mục tiêu là làm thế nào người sử dụng ma túy được điều trị đặc biệt là điều trị tự nguyện, được chăm sóc và phục hồi nhân phẩm, giúp đỡ sau khi ra khỏi trại. Một vấn đề quan trọng của chiến lược này là người nghiện ma túy được coi là người bệnh, là bệnh kinh niên, nghĩa là cai rồi vẫn có thể nghiện trở lại.

Và để khuyến khích những người nghiện tham gia vào việc điều trị tự nguyện thì Chính phủ đã đưa ra chính sách là sẽ không ghi vào trong lý lịch tư pháp là người từng sử dụng ma túy nếu họ tự nguyện đi cai, trong trường hợp bị bắt buộc phải cai cũng vẫn tạo cơ hội cho họ chuyển sang cai tự nguyện.

Kết quả là năm 2013, Thái Lan đặt 121% mục tiêu (484.610 người được điều trị) trong đó, số điều trị tự nguyện đạt hơn 90% so với mục tiêu đặt ra (287.759 người).

 

Điều trị nghiện ma tuý: cần thời gian dài và kết hợp nhiều biện pháp - 1

BS Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng

Các nguyên tắc điều trị nghiện hiệu quả

Kinh nghiệm ở Thái Lan cũng như nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy một người nghiện ma tuý sẽ dùng bất cứ loại ma tuý nào, phụ thuộc vào điều kiện tài chính và sự phổ biến của loại ma tuý đó trên thị trường. Do đó,  chặn nguồn ma tuý không giải quyết được vấn đề.

Với những nhóm người nghiện ma túy khác nhau cần có các mô hình điều trị, phục hồi khác nhau. Việc điều trị hướng tới chấm dứt sử dụng ma túy hoàn toàn (tức cai nghiện) là một hướng đi truyền thống được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, phù hợp với những người mới nghiện ma túy và không có việc làm ổn định, thường xuyên.

Mặt khác, điều trị thay thế bằng methadone là một hướng điều trị nghiện ma túy phù hợp cho người nghiện nặng các chất ma túy gốc thuốc phiện, những người mà việc từ bỏ hoàn toàn sử dụng ma túy là rất khó khăn, đồng thời có công ăn việc làm ổn định.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy việc kết hợp điều trị bằng thuốc (nếu có) với liệu pháp hành vi là cách tốt nhất để đảm bảo điều trị thành công.  Việc điều trị giúp bệnh nhân chống lại các tác hại của bệnh nghiện với não bộ và hành vi đồng thời giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình.

“Người nghiện không chỉ chịu sự chi phối của ma tuý mà còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố sinh học như gien di truyền khiến họ dễ mắc nghiện hoặc bệnh lý tâm thần (theo nghiên cứu ở nhiều nước khoảng 50% người nghiện có các triệu chứng tâm thần – từ nhẹ như lo âu đến nặng như hoang tưởng) và môi trường (bất ổn trong gia đình, cha mẹ hay sử dụng ma tuý, ảnh hưởng của bạn bè, cộng đồng, kết quả học tập kém, kỹ năng xã hội yếu kém) do đó họ cần được điều trị toàn diện cả về dược lý (dùng thuốc) và điều trị tâm lý xã hội”, BS Hải Oanh phân tích.

Theo báo cáo của Cục Phòng chống AIDS, kết quả điều trị bằng Methadone tại Việt Nam cho thấy, sau 24 tháng chỉ còn gần 16% bệnh nhân tiếp tục sử dụng heroin (trước đó là 100%); tần suất sử dụng ma tuý sau 24 tháng cũng giảm rõ rệt: không có bệnh nhân nào dùng 2 lần/ngày mà chủ yếu là dùng 2-3 lần/tháng (trước đó gần 50% sử dụng trên 5 lần/ngày; 45% dùng 3-4 lần/ngày)

Các cách tiếp cận điều trị cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình sử dụng ma tuý của mỗi bệnh nhân và các vấn đề y tế, tâm lý, xã hội liên quan đến ma tuý.

Cần lưu ý là do nghiện là bệnh mãn tính nên việc tái sử dụng ma tuý ở 1 thời điểm nào đó không chỉ là việc hoàn toàn có thể xảy ra mà còn là 1 hiện tượng thường gặp. Và khi tái phát, không có nghĩa là điều trị đã thất bại. Với một người đang hồi phục từ hội chứng nghiện, tái sử dụng cho thấy việc điều trị cần được áp dụng trở lại hoặc điều trị hay cần thử 1 biện pháp điều trị khác. Các chuyên gia về điều trị nghiện cho rằng thời điểm tái sử dụng là cơ hội để bệnh nhân và người hỗ trợ cùng rút kinh nghiệm để quá trình điều trị tiếp theo có hiệu quả hơn. Điều quan trọng là bệnh nhân tiếp tục ở lại chương trình điều trị, cũng giống như bệnh nhân đang điều trị cao huyết áp bị tai biến vẫn cần được tiếp tục điều trị cao huyết áp trong khi giải quyết các hậu quả của tai biến.

Điều trị nghiện ma tuý: cần thời gian dài và kết hợp nhiều biện pháp - 2

Báo cáo của Cục Phòng chống AIDS cũng cho thấy thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về sức khoẻ thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao: khi tỉ lệ giảm nguy cơ trầm cảm của bệnh nhân sau điều trị 12 tháng chỉ còn 15% (trước đó là 80%).

Tình hình trật tự an toàn xã hội của cộng đồng nơi có người nghiện ma tuý cũng được cải thiện (tỉ lệ có các hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 40% xuống còn gần 2%)

Theo báo cáo của công an quận Lê Chân (Hải Phòng), sau 6 tháng sử dụng Methadone, số vụ ăn cắp vặt liên quan đến người nghiện chất ma tuý tại BV Việt Tiệp giảm 60-70%; vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý tại chợ Sắt giảm 70%.

Đặc biệt, mâu thuẫn gia đình giảm mạnh. Tỉ lệ bệnh nhân có vấn đề nghiêm trọng trong hoà hợp với gia đình hoặc bạn bè, tỉ lệ bệnh nhân có các xung đột tới gia đình từ 90% xuống còn gần 3% sau 24 tháng điều trị.

Tóm lại, do dừng lạm dụng ma tuý chỉ là bước đầu tiên trong 1 quá trình phục hồi dài hơi và phức tạp, nên để thành công cần chương trình điều trị giải quyết toàn diện các nhu cầu của người bệnh. Tức là một chương trình tốt chỉ khi bao gồm nhiều dịch vụ phục hồi chức năng trong gói dịch vụ điều trị. Các chuyên gia tư vấn điều trị có thể chọn các dịch vụ phù hợp nhất để thoả mãn nhu cầu y tế, tâm lý, xã hội, công việc và pháp lý của mỗi bệnh nhân.

 

Nhân Hà

Mail: tranthuphuong@dantri.com.vn