Điếc vĩnh viễn vì... lười

(Dân trí) - Anh Nguyễn Xuân Bắc làm việc tại một xưởng cưa ở Minh Tân, Yên Lạc, Vĩnh Phúc được xác định là điếc vĩnh viễn sau 5 năm gắn bó với nghề mộc chỉ vì ngại sự vướng víu khi đeo nút tai để bảo vệ thính lực.

Ngại vướng víu, chịu cảnh điếc suốt đời

Anh Bắc chỉ là một trong số rất nhiều người làm việc trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn nhưng lười nút tai bảo vệ thính lực nên đã bị mất khả năng nghe vĩnh viễn.

Khi đã bị điếc, phải giao tiếp bằng cách viết giấy, anh mới thấy ân hận vì đã chủ quan, coi thường tiếng ồn nên không dùng dụng cụ nút tai.

“Khi mới vào nghề, tôi cũng được mọi người khuyên phải mua dụng cụ nút tai. Tuy nhiên, khi dùng thử cái nút tai của con trai (dùng khi đi bơi), tôi thấy rất vướng víu, nhất là khi nói chuyện trong tiếng máy cưa réo, đeo nút tai càng khó nghe hơn nên tôi đã bỏ không dùng nữa. Giờ hối hận cũng đã muộn”, anh Bắc buồn rầu viết.

Anh cho biết thêm, phần lớn thanh niên ở xưởng cưa của anh đều không dùng dụng cụ nút tai. Vì họ cũng như anh, chủ quan, hơn nữa cảm thấy vướng víu, không cần thiết.

Trong khi đó, theo thống kê của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, bệnh điếc nghề nghiệp có xu hướng ngày càng tăng, đến nay đã chiếm 16% trong các bệnh nghề nghiệp. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh điếc nghề nghiệp trong các ngành nghề sản xuất là 10,94%.

Các công nhân dệt, thợ cơ khí, thợ khoan đá, thuỷ thủ các tàu biển là những đối tượng có nguy cơ rất cao với căn bệnh này.

Các dấu hiệu báo động?

 

- Phải hét lên để nói chuyện.

 

- Tiếng "o o" trong tai (ù tai) xuất hiện sau khi tiếp xúc với tiếng ồn và kéo dài hàng giờ.

 

- Nghe tiếng đàn ông rõ hơn tiếng phụ nữ là đã có giảm nghe ở các tần số cao.

 

Để bảo vệ sức nghe?

 

- Tránh tiếng ồn, nếu không tránh được thì phải có những dụng cụ bảo vệ.

 

- Ở trong môi trường nào mà nói chuyện khó nghe thì chúng ta biết rằng trong môi trường đó, tiếng ồn đã đủ lớn để có thể gây tổn thương tai.

 

- Nên ở xen kẽ nơi ồn ào và nơi yên lặng để cho tai nghỉ ngơi.

 

- Hạn chế khoảng thời gian tiếp xúc tiếng ồn.

 

- Nếu phải tiếp xúc với tiếng ồn đều đặn, cần kiểm tra thính lực đồ âm đơn ít nhất mỗi năm 1 lần.

Không thể phục hồi sức nghe

Theo TS Lương Hồng Châu, trưởng khoa Tai thần kinh (BV Tai mũi họng TƯ), điếc nghề nghiệp nguy hiểm ở chỗ, đây là căn bệnh không thể điều trị phục hồi sức nghe, thậm chí, dùng máy trợ thính cũng không giúp người bệnh nghe tốt hơn.

Đáng nói, hầu hết người lao động đều rất chủ quan với tiếng ồn. Họ lười sử dụng phương tiện bảo hộ lao động để bảo vệ thính lực dù phải làm việc trong môi trường có sự ô nhiễm tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép.

“Hơn nữa, những biểu hiện nghe kém không rõ ràng nên người lao động hay bỏ qua. Vì lúc đầu, họ chỉ nghe kém ở tần số tiếng ồn cao, trong khi tần số sinh hoạt vẫn bình thường. Giai đoạn sau, khi người bị điếc nghề nghiệp ý thức được bệnh (nghe kém rõ rệt, giao tiếp khó khăn kèm theo ù tai) thì cũng là lúc họ vĩnh viễn không thể phục hồi được sức nghe”, TS Châu nói.

Vì thế, để phòng căn bệnh nghề nghiệp nguy hiểm này, người lao động cần dùng dụng cụ chống tiếng ồn như nút tai, chụp tai hoặc mũ chụp tai. Bố trí giờ làm việc xen kẽ, chuyển đổi, tránh thời gian tiếp xúc với tiếng ồn kéo dài.

Thận trọng với tiếng ồn trong sinh hoạt

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc BV Tai Mũi Họng TƯ cảnh báo: Sự suy giảm sức nghe do âm thanh không chỉ diễn ra trong công việc mà còn gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Tiếng ồn ở các buổi ca nhạc ngoài trời, các sàn nhảy, nghe headphone ở cường độ cao, các cuộc đua môtô...  cũng có thể gây điếc nếu sống thường xuyên trong môi trường này.

“Hoàn toàn có thể ngăn ngừa suy giảm sức nghe do tiếng ồn gây ra kể cả tiếng ồn trong sinh hoạt và trong lao động sản xuất. Đó là các chương trình ngǎn ngừa và kiểm soát tác hại nói chung của tiếng ồn tại nơi làm việc. Cần nhận biết sự nguy hại của tiếng ồn trước khi công nhân bắt đầu kêu ca về sức nghe…”, PGS Dinh nói.

Ngoài ra, mức độ ồn có thể giảm bằng cách sử dụng thiết bị khống chế tiếng ồn như thùng trùm kín máy, bộ hấp thu âm, bộ giảm thanh, các tấm chắn âm và bịt lỗ tai. Những nơi chưa có đủ điều kiện thực hiện thì có thể giảm hứng chịu tiếng ồn bằng cách bảo vệ sức nghe và bằng việc quản lý như hạn chế thời gian phải vào nơi ồn...

Trong các chương trình kiểm soát tiếng ồn thì việc chủ yếu là giáo dục đào tạo công nhân cũng như kiểm tra định kỳ sức nghe. Trong đó, theo PGS Dinh, quan trọng nhất là phải giáo dục để mọi người nhận thức được rằng những âm thanh cường độ lớn có thể gây tổn hại cho tai. 

Để tránh và làm giảm tiếng ồn hằng ngày ở nơi làm việc cũng như ở nhà, cần thực hiện những biện pháp bảo vệ tai khi làm việc ở môi trường nhiều tiếng ồn, có thể đeo máy trợ thính. Cũng cần giảm bớt tiếng ồn trong nhà bằng cách nói chuyện khi nhìn thấy mặt nhau, nói chậm, rõ, không la lớn...
 
Hồng Hải