Dịch Zika bủa vây, các bộ trưởng y tế ASEAN họp khẩn

(Dân trí) - Chiều 19/9, Bộ trưởng Bộ Y tế 10 quốc gia ASEAN đã họp khẩn trực tuyến, cùng bàn luận đối phó với dịch bệnh do vi rút Zika đang có xu hướng lan rộng ở các quốc gia này.

Tại đầu cầu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì tham dự cuộc họp.

Theo báo cáo của TS Nguyễn Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đến ngày 19/9 đã có tới 7/10 quốc gia ASEAN ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút Zika. Chỉ còn ba nước là: Lào, Brunei, Myanmar chưa ghi nhận có ca bệnh nào. Đặc biệt tại Singapore những ngày cuối tháng 8 đến nay dịch Zika đang bùng phát với tổng số mắc 368 ca.

Bộ trưởng Y tế 10 nước ASEAN đã họp khẩn để bàn phương án đối phó với dịch Zika.
Bộ trưởng Y tế 10 nước ASEAN đã họp khẩn để bàn phương án đối phó với dịch Zika.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, may mắn là chủng vi rút gây bệnh Zika tại Châu Á là chủng lưu hành những năm 1960, không phải là chủng Zika xâm nhập từ châu Mỹ.

Tại Việt Nam, trước diễn biến dịch Zika phức tạp trên thế giới và châu Á vẫn tiếp tục giám sát chặt dịch bệnh. Đến ngày 16/9, hệ thống giám sát đã xét nghiệm 2.672 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành phố và đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên. Ngoài ra có hai ca bệnh là một công dân Đức, công dân Đài Loan được phát hiện bệnh khi đến Nhật Bản và Đài Loan.

Bộ Y tế cho biết, cả 3 trường hợp xác định nhiễm vi rút Zika tại Việt Nam đều không có tiền sử đi về từ vùng dịch. Như vậy, Việt Nam cũng đã có sự lưu hành của vi rút Zika trong cộng đồng. Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gen cho thấy, mẫu vi rút tại Khánh Hòa có nguồn gốc từ châu Á và mẫu vi rút tại Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ châu Mỹ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Zika trên thế giới và khu vực, Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN đã thảo luận và thống nhất đưa ra dự thảo bản Tuyên bố chung với các nội dung như: Tăng cường hệ thống giám sát của quốc gia và đẩy mạnh các cơ chế đánh giá nguy cơ hiện có của khu vực với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Các nước sẽ đẩy mạnh các cơ chế hiện có để kịp thời chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm có được sự đánh giá nguy cơ một cách chính xác; Thực hiện các nghiên cứu, chia sẻ phát hiện mới và bài học kinh nghiệm liên quan đến dịch bệnh do vi rút Zika.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Tiến nhận định hoàn toàn có thể xảy ra các ca bệnh nhiễm Zika mới trong tương lai. Vì thế, Bộ trưởng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cần chủ động triển khai các biện pháp phát hiện, phòng chống dịch do vi rút Zika, không để dịch lan rộng trong cộng đồng.

Bộ trưởng Tiến một lần nữa nhấn mạnh, không có muỗi đốt sẽ không có sốt xuất huyết và vi rút Zika. Vì thế Bộ trưởng yêu cầu tích cực triển khai các biện pháp như giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, đặc biệt là hành khách từ vùng có dịch; tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm; khuyến cáo người dân chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và loăng quăng (bọ gậy) bằng các biện pháp ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem đuổi muỗi, hương muỗi, diệt muỗi, diệt loăng quăng...

Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nhiễm vi rút Zika và các dị tật của thai nhi. Bên cạnh đó cần sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục.

Hồng Hải