Dịch vụ y tế: “Trâu chậm uống nước đục”

Tháng 12/2005, Đại hội Đảng bộ TPHCM xác định dịch vụ y tế chất lượng cao là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ cần tập trung đột phá để mang lại tăng trưởng GDP 12%/năm trở lên cho thành phố. Gần 2 năm trôi qua, ý tưởng này vẫn chỉ là ý tưởng...

Đặt bong bóng dạ dày chữa béo phì tại Bệnh viện (BV) Triều An, nói chuyện phòng ngừa ung thư gan và các bệnh u thần kinh tại BV An Sinh mới đây, trước đó là “buộc bụng” trị béo phì tại BV Chợ Rẫy, đàng sau những hoạt động trên đều có bóng dáng của y tế Singapore. Chưa hết, thời gian qua và sắp tới một số BV nước này cũng trở thành đối tác với các BV ở TPHCM.

 

Để vuột mất cơ hội

 

Có người nói, y học Singapore với tay sang những nước chung quanh vì người dân của họ được chăm sóc y tế quá tốt, nên không còn mấy người ốm đau, bệnh tật. Vì t hế, để tồn tại, các cơ sở y tế nước này buộc phải đi kiếm con bệnh từ bên ngoài. Cách lý giải đó đúng, nhưng đúng hơn là trước sau như một người Singapore vẫn trung thành với chiến lược phát triển đất nước bằng việc cung cấp dịch vụ chất lượng cao, trong đó y tế là mảnh đất phì nhiêu.

 

Tham gia những buổi hội thảo y tế, nói chuyện với công chúng của các bác sĩ Singapore ở Việt Nam, người ta thấy chung một công thức, đó là uy tín, trọng thị và rõ ràng. Anh Phương, ngụ tại Bình Dương, bị di chứng sốt bại liệt, cách đây một năm từng đến các BV có tiếng ở TPHCM xin chữa trị, nhưng những nơi chỉ nói chung chung hoặc chỉ dẫn lòng vòng. Anh đi Singapore chữa, mất 50.000 SGD (1 đôla Singapore = 10.876 VND), hiện đi được gần như bình thường. Anh nói: “Tốn kém thật, nhưng rõ ràng, họ hứa chữa được là được”. Tương tự thế, sau một lần té ngã, giãn dây chằng không thể đi lại, anh Hùng, ở TPHCM, qua Singapore chữa trị. Chi phí đi lại và phẫu thuật hết 20.000 SGD, gấp 20 lần so với chữa trong nước, nhưng anh hài lòng vì được đối xử chu đáo, tận tình và hiệu quả. Chưa thống kê được số người Việt Nam đến Singapore chữa bệnh hàng năm, nhưng ước tính vào khoảng 1.000 người. Mỗi người tốn trung bình 30.000 SGD, như mỗi năm ít nhất Việt Nam mất đi 30 triệu SGD, hơn 300 tỉ đồng!

 

Chưa thấy được y tế - một dịch vụ đầy tiềm năng

 

Cho đến nay, có lẽ dịch vụ y tế chất lượng cao vẫn là khái niệm mơ hồ đối với nhiều BV của ta, đặc biệt BV công lập. Không nói quá khi nhiều BV công lập tỏ thái độ không cần bệnh nhân vì lúc nào họ cũng trong tình trạng quá tải. Nếu phải làm dịch vụ y tế chất lượng cao, họ cũng làm cho có bằng việc trang bị tivi, tủ lạnh, máy điều hoà cho một vài phòng ốc chứ không ý thức xây dựng một chiến lược thông qua liên kết, quảng bá, tiếp thị nhằm thu hút bệnh nhân nước ngoài, Việt kiều hoặc người có điều kiện tài chính muốn được chữa trị và chăm sóc đúng mức. Vì thế không lạ gì khi các BV tại thành phố không nắm được số người nước ngoài hoặc Việt kiều đến chữa trị ở cơ sở mình, cùng lắm là phỏng đoán được vài trăm bệnh nhân Campuchia hay Đài Loan mỗi năm!

 

Bắt đầu từ thế mạnh

 

Theo một số nhà chuyên môn, để làm dịch vụ y tế chất lượng cao, TPHCM nên bắt đầu từ những thế mạnh sẵn có là phụ sản, hỗ trợ sinh sản, thẩm mỹ, nha khoa. So với nước ngoài, chi phí thực hiện những dịch vụ này ở ta chỉ bằng 1/10 đến 1/30 lần, nhưng hiệu quả tương đương. Vấn đề là cần tập trung đầu tư vào một số cơ sở nhất định, chuẩn hoá cơ sở vật chất, quản lý và nhân sự để đạt chuẩn quốc tế. Khi thành công sẽ mở rộng sang một số lĩnh vực khác.

 

Thật ra TPHCM có nhiều tiềm năng làm dịch vụ y tế chất lượng cao vì các BV có “nguồn bệnh” dồi dào, bác sĩ có tay nghề cao và kinh nghiệm vì được cọ xát với nhiều bệnh khó, phức tạp. Tuy nhiên, điều cần nhất hiện nay là thiếu cơ chế và chính sách tạo động lực để phát huy nội lực. Cũng không thể khoán trắng việc này cho ngành y tế, mà cần có sự phối hợp giữa các ngành liên quan như du lịch, đầu tư, khoa học-công nghệ… và đặc biệt là một “nhạc trưởng” chỉ huy.

 

Câu chuyện khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân “8 năm chửa trâu” mà Sài Gòn Tiếp Thị từng đề cập (số 19, ngày 13.8.2007) là thí dụ. Thiếu người chỉ huy, ngành y tế bó tay nên cuối cùng trong tháng qua UBND thành phố đã quyết định điều chỉnh một số chính sách, theo đó mời được Tập đoàn Sangri-la Heathcare Investment của Singapore vào đầu tư trọn gói hay một phần!

 

Thấy người giỏi kết thân để học hỏi là tốt, nhưng học gì, học như thế nào, mục tiêu tương lai ra sao lại là chuyện khác. Khi nào Việt Nam mới nghiêm túc nghĩ đến chuyện làm dịch vụ y tế chất lượng cao để mang ngoại tệ về cho đất nước? Làm tự phát, chữa được vài trăm bệnh nhân nước ngoài như hiện nay thì không thể gọi là làm kinh tế. Chậm chân, không biết cách làm chắc chắn sẽ lâm cảnh… “trâu chậm uống nước đục”?

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị