Dịch thuỷ đậu sẽ còn tiếp diễn

(Dân trí) - “Thời tiết trở lạnh sẽ làm dịch thuỷ đậu tạm thời không bùng phát mạnh, tuy nhiên, khi có nắng ấm trở lại, bệnh sẽ có xu hướng tăng và cao điểm mùa dịch tập trung vào khoảng từ tháng 3 - 5 hàng năm”, BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết.

Theo BS Lộc, việc xuất hiện dịch thủy đậu ngay từ thời điểm sau tết âm lịch không phải là điều bất thường. Vì năm nay, do thời tiết nóng ẩm và nhiệt độ tăng bất thường nên tỷ lệ người mắc bệnh có dấu hiệu tăng hơn so với mọi năm. Còn cao điểm của dịch bệnh vẫn tập trung từ tháng 3 - 5, do khí hậu ẩm ướt mùa xuân tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh do virus phát triển.

 

Tại khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi TƯ, trung bình mỗi ngày có 6 - 7 cháu nhập viện. Đáng nói là hầu hết các ca bệnh này phải nhập viện là do phải điều trị những biến chứng nặng của thuỷ đậu.

 

TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi TƯ cho biết, hầu hết những bệnh nhân thủy đậu vào điều trị đều bị những nốt thủy đậu mọc dày chi chít trên cơ thể. Những bệnh nhi này chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ trên 1 tuổi đến 5 tuổi. Có nhiều cháu lúc đầu chỉ xuất hiện vài nốt đậu, nhưng do ngứa ngáy khó chịu, bé gãi trợt mụn, trầy xước ra khiến nốt đậu lây lan nhanh chóng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc điều trị đối với những bệnh nhi mắc thủy đậu thường bị kéo dài và có thể để lại những vết sẹo rất xấu trên da. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến bội nhiễm có thể gây những biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.

 

Theo BS Lộc, việc chăm sóc cho trẻ cần thận trọng, chu đáo để phòng những biến chứng đáng tiếc, vì trên thực tế, tỷ lệ trẻ bị thuỷ đậu phải nhập viện điều trị tai biến của thuỷ đậu chiếm tỷ lệ khá cao. Những ca bị biến chứng thường do kháng thể yếu, phụ huynh thiếu kiến thức chăm sóc, điều trị không đúng kéo dài.

 

Cha mẹ cần lưu ý, khi bé bị thủy đậu, cần cho trẻ uống nhiều nước và cho uống thêm nước hoa quả, cắt sạch móng tay chân, chú ý đến bé để bé không có cơ hội gãi trợt các nốt mụn. Trong quá trình điều trị, cần vệ sinh sạch sẽ thân thể cho trẻ, tránh tình trạng trẻ bị bẩn càng ngứa và gãi mạnh. Khi bé mới bị lên vài nốt đậu, nếu điều trị sớm bằng thuốc sẽ tránh được nguy cơ mụn nước lan rộng trên cơ thể.

 

Sau khi vệ sinh sạch sẽ cơ thể trẻ, cha mẹ có thể Xanh Metylen bôi đúng vào miệng của mụn. Trong trường hợp mụn lan rộng toàn thân cũng dùng loại thuốc này để điều trị. Còn nếu trẻ chỉ bị loét vài nốt mụn, có thể dùng nước ôxy già rửa vết loét rồi dùng bông chấm khô rồi cho bệnh phẩm vào túi nilon bọc kín để tránh lây bệnh cho người khác.

 

Thuốc Bitendine cũng là loại thuốc được dùng điều trị thuỷ đậu, rất có hiệu quả với những mụn nước đã bị trợt, loét. Nhưng cha mẹ cần lưu ý, với những trẻ xuất hiện quá nhiều nốt mụn nước, dày đặc toàn thân thì tuyệt đối không nên bôi loại thuốc này cho trẻ. Vì trong thuốc này có chất iốt, bôi nhiều có thể khiến trẻ bị ngộ độc iốt.

 

Trong trường hợp bị trợt, xước da quá nhiều, buộc sẽ phải dùng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn. Khi được dùng thuốc đúng cách và giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, ăn uống đủ chất, dinh dưỡng thì sẽ giảm được nguy cơ xảy ra biến chứng. Tuy nhiên vẫn cần theo dõi bệnh kỹ càng và và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, bệnh viện ngay khi có dấu hiệu sốt cao không hạ nhiệt được, hoặc có biểu hiện biến chứng như đã hạ sốt nhưng đột nhiên bùng lên sốt lại.

 

Hồng Hải