TPHCM:

Dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng vào mùa cao điểm

(Dân trí) - Từ tháng 9 đến tháng 11 là giai đoạn cao điểm của 2 căn bệnh truyền nhiễm là sốt xuất huyết và tay-chân-miệng.

 

Dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng vào mùa cao điểm - 1

Một ca sốc SXH đang được chăm sóc, điều trị tích cực tại bệnh viện Nhi đồng 2

Tại bệnh viện Nhi đồng 2, mặc dù số ca mắc không cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng có dấu hiệu tăng nhanh với tổng số ca nhập viện trong 2 tuần cuối tháng 8 cao gấp rưỡi so với 2 tuần đầu tháng 8. Đặc biệt, trong số 80 bệnh nhi được điều trị nội trú tại bệnh viện Nhi đồng 1, có tới 25% trường hợp gặp biến chứng nặng (sốc độ 3, độ 4).

 

Theo BS Trần Thị Thủy, Phó Khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 2, nguyên nhân dẫn tới  biến chứng nặng vẫn là do phát hiện bệnh trễ; do cơ địa (béo phì, trẻ dưới 18 tháng tuổi, hay có bệnh lý mãn tính); do độc lực của virus….

 

Hiện bệnh SXH đang bắt đầu vào tháng cao điểm, do chưa có vắc-xin nên cần chú ý ngủ mùng, mặc quần áo dài, diệt lăng quăng, muỗi. Nếu có biểu hiện sốt trên 2 ngày cần đi khám ngay. Không nên chủ quan thấy trẻ dứt sốt trong giai đoạn sau 3-6 ngày vì có thể chuyển sang SXH nặng (với các biểu hiện lừ đừ, tay chân lạnh, than đau bụng, ói, xuất huyết ngoài, da bầm, chảy máu cam, chảy máu chân răng).

Dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng vào mùa cao điểm - 2

Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 đang chăm sóc cho 1 bệnh nhân tay-chân-miệng bị biến chứng nặng

Về bệnh tay-chân-miệng, số ca nhập viện không tăng nhưng trong số 50 ca đang được điều trị nội trú tại bệnh viện Nhi đồng 1 thì có gần 50% trẻ bị biến chứng nặng…. Vì thế, cần chú ý nếu trẻ sốt cao, liên tục khóc, giật mình, ngủ gà, hốt hoảng đi đứng loạng choạng kèm nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn chân, bàn tay…, cần phải đưa trẻ đi khám ngay.

 
Sốt xuất huyết nhiều do y tế địa phương thụ động 
 
Trong buổi khảo sát công tác phòng chống dịch bệnh SXH tại Q.8 chiều ngày 4/9, BS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở y tế TPHCM, đánh giá: “SXH bùng phát tại Q.8 có phần trách nhiệm từ cán bộ y tế dự phòng tại Q.8” khi cán bộ y tế dự phòng Quận xác định vị trí có lăng quăng trên… lý thuyết chứ không đi khảo sát thực tế. Kết quả là khiến cho việc phòng chống SXH tại Q.8 trong ba tháng 6, 7, 8/2009 “vươn lên” đứng thứ 2 về số ca mắc trong toàn TPHCM (60 ca) toàn thành (đứng sau Q.Thủ Đức) và có 1 ca tử vong.
 
Ngọc Thanh