Dịch cúm gia cầm hoành hành ở nhiều địa phương

(Dân trí) - Trong những ngày vừa qua, Cục Thú y nhận được rất nhiều thông tin về hiện tượng gia cầm chết hàng loạt. Hiện tượng vứt xác gia cầm chết xuống sông, ngòi tái xuất hiện.

Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Đường dây nóng của Cục đã nhận được nhiều thông tin về gia cầm chết hàng loạt tại các tỉnh phía Bắc. Một số nơi còn tái xuất hiện việc cho xác gia cầm vào bao tải vứt xuống sông vì cho là chết rét mà không hề làm xét nghiệm".

Dịch cúm gia cầm đang xảy ra ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tây, Nam Định, Bắc Ninh… chứ không chỉ có ở 4 tỉnh (Long An, Quảng Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên) như đã báo cáo trước đó. Điều này báo hiệu sự trở lại của một đợt dịch cúm gia cầm mới bùng phát ở miền Bắc.

Như vậy, từ cuối năm 2007 đến nay, dịch cúm gia cầm liên tục xảy ra ở một số tỉnh. Nguyên nhân vẫn là do lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh; công tác giám sát dịch bệnh không được tăng cường; có nơi người bị nhiễm bệnh mới biết có dịch xảy ra trên gia cầm; công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đạt tỷ lệ không cao; hầu hết các ổ dịch xảy ra trên đàn gia cầm không được tiêm phòng, trên đàn vịt tiêm phòng không đúng quy định…

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp nhưng sự thờ ơ, không khai báo với cơ quan thú y của người dân và sự bất lực của hệ thống giám sát chính quyền, mạng lưới thú y cơ sở đã khiến cho vấn đề kiểm soát dịch bệnh ngày càng khó khăn.

“Chỉ trong 4 tuần đã có 3 người chết vì nhiễm vi rút cúm H5N1, hoạt động phòng chống dịch trên cả nước đang trong tình trạng báo động. Để xảy ra tình trạng này, lỗi không nhỏ thuộc về Chi cục Thú y các địa phương. Chúng tôi đang yêu cầu Chi cục Thú ý các địa phương để xảy ra dịch và có các ca nhiễm H5N1 ở người nghiêm túc kiểm điểm, đặc biệt là các đồng chí Chi cục trưởng”, ông Quang Anh nói.

Nhằm khống chế dịch xảy ra trên diện rộng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Bùi Bá Bổng yêu cầu: "Các địa phương đẩy mạnh việc giám sát để chống lây lan các ổ dịch cúm gia cầm trên diện rộng.

Cục Thú y cũng yêu cầu các Chi cục tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp như: tiêm phòng cho đàn gia cầm đợt I/2008, tiến hành tiêu độc khử trùng thường xuyên các ổ dịch, củng cố hệ thống giám sát, thông tin dịch bệnh nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời gia cầm mắc bệnh.

Người dân phát hiện gia cầm chết đột ngột có thể liên lạc qua đường dây nóng: 1800-5555-02 và 04.8685104 hoặc 04.8686339 (số fax) để bộ phận thường trực xử lý nhanh các thông tin về dịch bệnh.

P. Thanh