Đi cấp cứu vì sưởi ấm

(Dân trí) - Trong đợt rét kéo dài gần 1 tháng qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do dùng than tổ ong, than củi để dưới gầm giường, trong nhà tắm để sưởi ấm.

Hay bị ngộ độc tập thể

 

Ngày 26/1, Trung tâm chống độc tiếp nhận trường hợp 2 vợ chồng anh Đ.D.T ở Mỹ Đức, Hà Tây bị ngộ độc khí than nặng. Nguyên do là không chịu nổi cái lạnh thấu xương đêm hôm trước, anh đã đốt than củi để sưởi ấm trong nhà. Đến hơn 8h sáng sau, người nhà không thấy vợ chồng anh dậy, gọi cửa không động tĩnh nên mở cửa vào. Lúc này, cả hai vợ chồng đều trong tình trạng bất tỉnh, tím tái, thở yếu....

 

Hay như trường hợp của 2 mẹ con cháu T.V.H, 8 tuổi (Nam Định). Do trời quá lạnh, mẹ cháu đã đưa bếp than đang cháy nỏ vào trong nhà tắm đóng kín cửa để tắm cho con. Hơn một tiếng không thấy hai mẹ con ra, cũng không thấy có động tĩnh gì, gia đình liền đạp cửa thì thấy hai mẹ con đều đã bất tỉnh, vội đưa đi cấp cứu. Riêng cháu H, do tình trạng nặng hơn nên phải chuyển lên Trung tâm Chống độc.

 

Mới đây tại Lạng Sơn, 2 thanh niên trẻ làm nghề điện nước cũng bị tử vong vì ngộ độc khí than. Nguyên nhân là do thời tiết quá rét, hai thanh niên này đã mang một xô than về phòng ngủ tại tầng 3 và đóng kín cửa.

 

Ngay tại Hà Nội, chị T.T.V.26 tuổi ở Đặng Tiến Đông, Trung Liệt Đống Đa, HN cũng phải vào viện cấp cứu sau khi dùng bếp than vừa đun nước, vừa tắm trong phòng kín cho đỡ lạnh.

 

BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Riêng trong đợt lạnh kéo dài này, Trung tâm đã triếp nhận gần chục ca ngộ độc do sử dụng than làm lò sưởi ấm. Đáng nói là hầu hết các vụ ngộ độc đều xảy ra với cả gia đình hoặc 2-3 người”.

 

Hậu quả nặng nề

 

BS Nguyên giải thích: “Khi để bếp than trong phòng kín, oxy dần sẽ bị đẩy ra ngoài do khí CO và CO2 từ bếp than xâm lấn. Khi hít phải khí độc này, nạn nhân sẽ bị thiếu thiếu oxy, gây tổn thương vỏ não, dẫn tới hôn mê, thậm chí tử vong, nếu không được cứu chữa kịp thời. Đặc biệt, với những loại than siêu cháy (thường là dùng dầu nhớt thải chứa nhiều kim loại nặng độc hại), ngoài tác động trực tiếp, dùng lâu dài có thể dẫn tới ung thư phổi.

 

Điều đáng nói là khi bị khí CO và CO2 xâm lấn, người bệnh có thể bị ngất nhưng thường là đờ đẫn hoặc rất nặng đầu không thể nhấc mình lên. Chính vì thế, dù lờ mờ ý thức được sự việc cũng không thể tự giải cứu mình vì không còn sức lực để vùng dậy.

 

Theo BS Nguyên, các ca được chuyển lên Trung tâm chỉ là những ca nặng còn trong thực tế, số người bị ngộ độc cao hơn rất nhiều, đặc biệt là các vùng nông thôn. Nhiều trường hợp do phát hiện muộn nên đã bị hôn mê sâu, để lại di chứng não không phục hồi được, thậm chí bị tử vong.

 

Vì thế, khi đốt bếp than, cần mở thoáng cửa phòng. Khi phát hiện thấy người bị ngộ độc phải mở toang các cửa để không khí lưu thông và nhanh chóng đưa người bị nạn ra chỗ thông thoáng. Trường hợp nạn nhân đã ngưng thở, thở yếu thì cần hà hơi thổi ngạt và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ thở ôxy.

 

Hồng Hải