Đệm nước: Mát nhưng dễ mắc bệnh

Nghe chị bạn mách dùng gối và đệm nước mát rất dễ chịu trong những ngày hè nóng nực, chị Doãn Lan Anh tìm mua ngay 1 bộ cho cô con gái mới sinh. Thế nhưng, mát chưa thấy đâu con gái chị đã phải đi cấp cứu vì viêm phổi....

Mát… lạnh

 

Bộ đệm và gối mà chị Lan Anh (ngõ 315 Hoa Bằng, Cầu Giấy, Hà Nội) mua đều được may thành từng khoang nhỏ, có chứa chất làm mát. Sợ con mình nằm sẽ bị đau người, chị Lan Anh phải hỏi đi hỏi lại thật kỹ xem loại này có dùng được cho em bé không. Nhân viên bán hàng vẫn quả quyết với chị là "con người ta mới có 2,3 tháng còn nằm được nữa là con chị đã gần 4 tháng tuổi".

 

Thấy đệm mát lạnh, chị cẩn thận lót một lớp khăn xô lên trên do giẫy đạp, khăn bị rơi ra một xó và kết quả là con bé ho sù sụ. Sau hai đêm như vậy thì bé bị sốt, phải đưa vào viện cấp cứu. Chị Lan Anh giật mình lo sợ khi bác sĩ kết luận con chị bị viêm phổi cấp.

 

Chị Nguyễn Hồng Ánh (Võng Thị, Tây Hồ, Hà Nội) cũng phát sợ đệm nước vì nó quá lạnh. Chị Ánh mới sinh được mấy ngày, thời tiết nắng nóng quá không chịu được, chồng chị thương vợ mua cho một cái đệm nước loại to. “Mới nằm lên thì thấy sướng lắm, mát lạnh, nhưng mà chỉ được một lúc thôi, đau người vô cùng vì cái sóng quá to và dầy. Với lại mình mới sinh nên người còn yếu, nằm lạnh quá không chịu được, cứ nổi gai ốc và rét run lên”, chị Ánh chia sẻ.

 

Và nguy cơ xương phát triển không đều

 

BS Trương Ngọc Dương, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện 103 cho biết, trường hợp bé bị viêm phổi có thể do nhiều nguyên nhân. Các bà mẹ chú ý không nên dùng những loại gối, đệm có chứa chất sinh hàn, làm mất nhiệt. Vì diện tích da của trẻ rất ít nên khi cho trẻ nằm trên các loại đệm, gối như vậy, trẻ dễ bị nhiễm lạnh.

  

Hơn nữa, chất liệu bọc ngoài của các loại đệm, gối này thường là vải pha nhựa hoặc có nhiều thành phần nilon nên bí. Khi trẻ ra mồ hôi, chất liệu vải bọc này không thể thấm hút được, mồ hôi đọng lại trên da, gặp bề mặt lạnh của đệm, gối làm tăng nguy cơ nhiễm lạnh, dẫn đến việc ho, viêm phế quản, viêm phổi. Ngoài ra, trẻ nhỏ còn có nguy cơ bị viêm da tiếp xúc.

 

Các loại đệm và gối nước thường có cấu trúc khá gồ ghề do phải tạo khoang chứa chất làm mát, điều này chính là một yếu tố gây phát triển xương kém. Đặc biệt là với những cháu nhỏ có nguy cơ còi xương hoặc có bản xương sọ quá mềm, khi bị đè ép sẽ gây nguy cơ phát triển bản xương không đều...

 

Các loại đệm hay gối nước chỉ phù hợp với những người có cơ địa khoẻ mạnh hoặc dùng cho các bệnh nhân điều trị ở những chuyên khoa khác, cần tránh viêm loét do nằm cố định tại chỗ. Đối với các sản phụ và trẻ sơ sinh thường có cơ địa yếu nên dễ bị nhiễm lạnh, gây hiện tượng mạch máu co lại, trường hợp nặng có thể dẫn đến tai biến, truỵ mạch...

 

Theo Lê Na

Khoa học & Đời sống

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ