Để tránh tai biến khi cắt amiđan

Tai nạn tử vong do cắt amiđan của bệnh nhân Nguyễn Thị Bé Chín, 31 tuổi ở Sóc Trăng ngày 9/10 vừa qua đã làm nhiều người lo lắng. Đây không phải lần đầu tiên loại tai biến này xảy ra.

 

Để tránh tai biến khi cắt amiđan - 1

Trẻ dưới 5 tuổi và người trên 45 tuổi hạn chế phẫu thuật cắt amiđan  

 
Theo giải thích của lãnh đạo bệnh viện đa khoa Sóc Trăng, nơi đã gây ra tai nạn cho bệnh nhân Bé Chín: khâu chỉ định và quá trình phẫu thuật cắt amiđan phù hợp, không sai sót. Bệnh nhân bị men gan tăng, điều này ảnh hưởng đến thời gian thải trừ thuốc. Tuy nhiên, quá trình theo dõi tại phòng hậu phẫu không sát, không phát hiện được tình trạng suy hô hấp. Phát hiện ngưng thở, ngưng tim lại trễ.

 

Để không bị viêm amiđan

 

Hạn chế ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh. Thường xuyên giữ vệ sinh răng miệng, súc họng bằng nước muối pha loãng, đặc biệt trong các đợt dịch cúm, sốt xuất huyết... Tránh hút thuốc, tiếp xúc với khói thuốc lá, nhất là phụ nữ có thai và trẻ em. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều hoa quả, vitamin C để nâng cao sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng. Khi phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nhiều khói, bụi, cần đeo khẩu trang kín mũi, miệng để hạn chế bụi xâm nhập vào mũi, họng.

Không cứ viêm amiđan là phải cắt

 

ThS.BS Võ Quang Phúc, phó giám đốc bệnh viện Tai mũi họng TPHCM cho biết, amiđan là một trong những cơ quan miễn dịch trọng yếu của cơ thể. Khi amiđan viêm tức là đang chống lại vi trùng. Sự tranh đấu này làm người bệnh sốt cao, đau họng, ăn uống khó khăn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây áp-xe (làm mủ) quanh amiđan và đưa đến một số biến chứng nguy hiểm như viêm tai, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tim, viêm thận, viêm cầu thận, viêm khớp... “Không phải viêm amiđan nào cũng cắt. Cắt không đúng có thể để lại hậu quả lâu dài là làm mất đi hệ thống miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể. Ngay cả khi đang bị viêm amiđan cấp tính cũng không nên cắt liền, vì rất dễ chảy máu không cầm được hoặc nhiễm trùng huyết. Tốt nhất là điều trị 15 - 30 ngày cho hết viêm rồi mới cắt”, BS Phúc lưu ý.

 

TS.BS Trần Đức Ngọc, hội viên hội Tai mũi họng châu Á - Thái Bình Dương cho biết, bình thường amiđan tiết ra một số globuline để phòng chống một số bệnh đi vào đường hô hấp và tiêu hoá. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy khi cắt amiđan lượng globuline này giảm không đáng kể, do vậy không ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch. “Nhưng không phải vì thế mà phẫu thuật cắt amiđan được chấp nhận một cách dễ dàng. Theo khuyến cáo của các tổ chức tai mũi họng quốc tế, chỉ cắt amiđan khi bệnh nhân có một số dấu hiệu nhất định. Cắt amiđan tuy đơn giản nhưng cũng tiềm ẩn những tai biến như bất kỳ một loại phẫu thuật nào khác, từ đơn giản như giập môi, lung lay răng... cho đến những tai biến có thể ảnh hưởng đến tính mạng như dị ứng với thuốc mê, sốt cao ác tính…”, BS Ngọc nói.

 

Cần xét nghiệm kỹ, cắt đúng chỉ định

 

Theo BS Phúc, khi bị viêm amiđan người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng cách hoặc chỉ định cắt amiđan nếu cần thiết.

 

Cắt amiđan có thể gây biến chứng tử vong do nhiều nguyên nhân: gây mê, cắt không đúng kỹ thuật (cắt chạm mạch máu gây chảy máu, không cầm được), bệnh nhân có rối loạn đông máu, “Chính vì vậy mà trước khi cắt bệnh nhân phải được làm các xét nghiệm rất kỹ về các chức năng gan, thận và đông máu để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra. Nếu có nhu cầu, bệnh nhân nên đến các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng, không nên đến phẫu thuật ở phòng mạch tư, rất dễ gặp sự cố”, BS Phúc lưu ý.

 

BS Ngọc cho biết, khuyến cáo của quốc tế chỉ cắt amiđan trong những trường hợp sau:

 

- Viêm amiđan gây nên những biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc các biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận;

 

- Viêm amiđan nhiều đợt cấp, từ 5 - 6 lần trong một năm;

 

- Trường hợp dù không bị viêm nhưng amiđan có kích thước quá to, gây cản trở ăn uống, ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ hoặc nhiễm trùng tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh… thì cũng nên cắt.

 

Ngoài ra, amiđan còn được chỉ định cắt khi có nhiều ngóc ngách chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, nuốt vướng hoặc nghi ngờ ác tính. Sau cắt amiđan, người bệnh cần kiêng nói chuyện to, ho, khạc nhổ từ hai đến ba ngày. Sau đó tập phát âm bằng cách nói nhẹ nhàng.

 

Phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng. Sau cắt amiđan từ bảy đến mười ngày nếu có chảy máu, cần đến bệnh viện để bác sĩ cầm máu kịp thời.“Trẻ dưới năm tuổi và người lớn trên 45 tuổi nên hạn chế cắt amiđan, bởi trẻ dưới 5 tuổi cắt amiđan có thể ảnh hưởng khả năng miễn dịch, còn người trên 45 tuổi cắt amiđan dễ bị chảy máu do amiđan xơ dính hoặc có các bệnh khác kèm theo như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường...”, BS Ngọc lưu ý.

 

Theo Thanh Hải

Sài Gòn tiếp thị