Để người bệnh và thầy thuốc không tổn thương

Những kiến giải đầy tâm huyết của viện sĩ, tiến sĩ (VS.TS) Dương Quang Trung đầu năm mới đã làm bật ra nhiều điều: một chiến lược y tế đủ sức mạnh bảo vệ quyền được chăm sóc sức khoẻ bình đẳng, hiệu quả, an toàn của người bệnh và giúp người thầy thuốc an tâm hành nghề.

  
Để người bệnh và thầy thuốc không tổn thương - 1

Nếu BHYT áp dụng toàn dân và tính toán hợp lý thì người bệnh nghèo
sẽ có cơ hội được tiếp cận các kỹ thuật điều trị bình đẳng với người bệnh có tiền

Trong bước tiến đã xuất hiện bất cập

 

Điều lớn nhất tôi có thể cảm nhận được là sau 35 năm, ngành y tế TPHCM đã xây dựng được mạng lưới y tế rộng khắp, đáp ứng nhu cầu khám, trị bệnh của người dân, không chỉ ở TPHCM mà cả khu vực. Trước đây thành phố gần như không có mạng lưới ở tuyến cơ sở.

 

Hồi 1975, chỉ có một vài bệnh viện lớn tập trung ở nội thành, ra khỏi thành phố chỉ có một vài tiểu bệnh xá hậu sinh. Bây giờ thì chúng ta đã xây dựng được mạng lưới y tế rộng khắp, ngoài bệnh viện cấp trung ương, thành phố thì có các bệnh viện cấp quận, huyện và trên 300 phường xã cũng đều có phòng y tế.

 

Tất cả những kỹ thuật y khoa thế giới có thì mình cũng cố gắng, đảm bảo cơ bản. Tỷ lệ bác sĩ mặc dù chưa cao nhưng cũng được 8-10/một vạn dân, trên 30 giường bệnh/1 vạn dân. Nếu nói một nước đang phát triển, y tế như vậy cũng tương đối. Điều đặc biệt là những năm gần đây hệ thống y tế tư nhân ra đời, phù hợp với yêu cầu của xã hội, góp phần với bệnh viện nhà nước hỗ trợ sức khoẻ cho dân.

 

Tuy nhiên, trong bước tiến ấy lại xuất hiện những tồn tại. Quá tải là bức xúc trong ngành mà rất nhiều lần có chủ trương giải quyết nhưng vẫn khó khăn. Ở đây có nhiều yếu tố, khi nhu cầu khám chữa bệnh quá cao và nhu cầu ấy lại không thể từ chối được, đã đưa đến mất cân đối. Chính sự mất cân đối này vô tình gây ra những ứng xử làm tổn thương người bệnh và người thầy thuốc. Tâm lý người dân muốn trị bệnh tốt là phải đến bệnh viện lớn, vô nội thành, không chịu ở tuyến dưới. Điều này cũng không thể trách vì khi bệnh ai cũng muốn chữa nơi nào tốt nhất. Nhu cầu rất cao trong khi số bệnh viện không tăng bao nhiêu. Ở thành phố, bệnh viện công gần 30, bệnh viện tư hơn 30, nhìn con số đó không thể nói là ít nhưng nhu cầu tại chỗ quá đông, chưa kể thành phố còn phải lo cho 30 – 40% bệnh nhân các tỉnh lân cận chuyển lên.

 

Chống quá tải không phải là xây dựng bệnh viện hay tăng thêm giường bệnh mà là phải tổ chức lại mạng lưới, các tuyến sao cho phù hợp.

 

Phải làm cho dân tin ở tuyến trước

 

Chống quá tải không phải là xây dựng bệnh viện hay tăng thêm giường bệnh mà là phải tổ chức lại mạng lưới, các tuyến sao cho phù hợp. Nếu không phân tuyến thì cũng phải phân cấp như thế nào để tuyến dưới làm, tuyến trên hỗ trợ. Vừa rồi thành phố có chủ trương kết hợp một bệnh viện mạnh với bệnh viện yếu cũng nhằm mục đích giải quyết tình trạng này. Đừng để mất tính hệ thống, tính mạng lưới của hệ thống y tế. Tuyến trước mình giải quyết không được nên mới xảy ra quá tải. Nếu không làm cho người dân tin ở tuyến trước thì rất khó giải quyết.

 

Ngân sách mình không đủ cho nên phải thu viện phí. Tuy nhiên, không phải lúc nào và không phải với bất kỳ người bệnh nào cũng đủ sức để đảm bảo viện phí, nhất là trường hợp bệnh nặng, ung thư, mổ tim… Ở nhiều nước, họ điều tiết bằng bảo hiểm y tế, còn ở ta bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều bất cập. Bảo hiểm y tế nào trên thế giới, kể cả nước giàu cũng thâm hụt vì nhu cầu trị bệnh nhiều, chi phí y tế cao. Nhưng ở ta, quỹ bảo hiểm y tế năm rồi lại thừa, điều đó chứng tỏ tính toán chưa hợp lý. Đặt ra viện phí chẳng qua vì mình chưa tổ chức được bảo hiểm y tế toàn dân chứ thu viện phí không phải là biện pháp hay nhất. Phải tổ chức lại bảo hiểm y tế, áp dụng toàn dân và tính toán hợp lý. Nếu được như vậy thì ngay cả khi chi phí điều trị tốn kém, người bệnh nghèo vẫn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng với người bệnh có tiền.

 

Cần có luật hành nghề, y sĩ đoàn

 

Để người bệnh và thầy thuốc không tổn thương - 2


VS.TS Dương Quang Trung, thầy thuốc nhân dân, Viện trưởng viện Nghiên cứu và phát triển sức khoẻ cộng đồng; Chủ nhiệm liên bộ môn y học cộng đồng, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM
Khi trước nói y tế là ngành phục vụ, lo sức khoẻ, chưa có yếu tố dịch vụ trong đó. Thời cơ chế thị trường, đời sống xã hội nói chung và đội ngũ làm nghề y có đi lên nhưng mặt trái là làm cho y đức người thầy thuốc ít nhiều cũng ảnh hưởng. Nhiều người nghĩ đến thu nhập, đến hiệu quả kinh tế nên từ phục vụ trở thành dịch vụ mà dịch vụ càng cao cấp thì đòi tiền nhiều. Chuyện nhận “hoa hồng” là điều nhức nhối vì ngành y đâu được làm như vậy. Những tiêu cực đó làm người ta có cảm giác mất niềm tin ở người thầy thuốc.

 

Đặc biệt, cái mà tôi cho là hiện nay thiếu đó là luật hành nghề (nghĩa vụ luật), hội đồng quản lý hành nghề (y sĩ đoàn) như nhiều nước khác. Tất nhiên ở ta có hội y học, dược học… nhưng vẫn chưa phát huy hết vai trò quản lý. Nếu có luật hành nghề, y sĩ đoàn sẽ là một trong những kênh động viên người thầy thuốc làm tốt vai trò, giữ được y đức và nếu làm sai sẽ có biện pháp chế tài.

 

Cũng cần nhìn ra một nghịch lý, trong khi đóng góp của ngành y tế tương đối rộng thì thu nhập của cán bộ y tế, nhất là từ trung cấp trở xuống, rất thấp. Trừ những bác sĩ, những người có tên tuổi thì đại bộ phận đời sống của đội ngũ làm nghề y còn nhiều khó khăn. Dẫu vậy, tôi cũng thấy có những tín hiệu lạc quan khi ngoài số ít những thầy thuốc vi phạm y đức thì còn bao nhiêu người làm việc tốt. Trong số họ có những người còn rất trẻ, chấp nhận đồng lương thấp để được bám trụ với ngành y, làm việc ngày đêm vì tình yêu công việc và trách nhiệm với cộng đồng. Mà điều này thì rất quý!

 

Theo VS.TS Dương Quang Trung

Sài Gòn tiếp thị