Để não bộ bé phát triển tốt nhất

(Dân trí) - Các nghiên cứu cho thấy, não bộ của trẻ tăng kích thước nhanh nhất trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ và trong độ tuổi nhũ nhi. Bởi cho đến khi 2 tuổi, trẻ đã có bộ não đạt thể tích bằng 80% não người trưởng thành.

Yếu tố dinh dưỡng nào đóng vai trò quyết định?

 

Đó chính là DHA. Đây là một axit béo không no chuỗi dài, hiện diện nhiều trong các màng tế bào não, mắt và cũng có vai trò quan trọng trong nhiều quá trình (tiến trình) của cơ thể. DHA cũng chính là một thành phần quan trọng làm nên cấu trúc của não bộ như hệ thần kinh trung ương, vỏ não và võng mạc. 

 

Các công trình nghiên cứu cho thấy rằng: Não cần một lượng DHA đủ lớn trong giai đoạn phát triển mang tính chất chiến lược của não, ví như trong giai đoạn trước khi sinh (3 tháng cuối thai kỳ), lượng DHA trong màng não tích tụ rất cao.

 

Nghiên cứu của Hoffman năm 2003 cho thấy những trẻ được bú sữa giàu DHA từ khi sinh ra cho đến khi 18 tháng tuổi sẽ có điểm phát triển trí tuệ (MDI) cao hơn các trẻ bú sữa không có DHA từ 7  - 8 điểm. Đặc biệt, những trẻ bú sữa không có DHA có điểm MDI thấp hơn mức bình thường là 1,7 điểm.

 

Còn trong nghiên cứu của Birch năm 2007, điểm IQ lúc 4 tuổi của những trẻ (độ tuổi mà IQ đã tương đối bền vững và ổn định) từng bú mẹ và uống sữa có tỉ lệ DHA cao (theo khuyến cáo của Viện Y khoa Hoa Kỳ - IOM là 700mg axit béo omega-3/ngày; trong đó omega 3 chuỗi dài (EPA và DHA) chiếm khoảng 10%) sẽ cao hơn so với những trẻ bú sữa và uống sữa không bổ sung DHA từ 7 - 10 điểm MDI.

 

Như vậy, ngoài yếu tố di truyền và trước khi chịu tác động của điều kiện giáo dục, môi trường sống thì dinh dưỡng đóng vai trò rất lớn trong việc cải thiện trí thông minh vốn có của trẻ. Điều này có nghĩa dinh dưỡng của mẹ trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, khi trẻ mới sinh và thời điểm trẻ tập ăn dặm cho đến khi 6 tuổi được xem là giai đoạn quan trọng nhất.

 

Nguồn dinh dưỡng nào giàu DHA?

 

Nhóm thực phẩm cơ bản giàu axit béo Omega-3 là: các loại cá có chất béo sống ở nơi rất sâu của đại dương như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá bơn halibut, cá da xanh (cá nục), cá ngừ, cá thu; các loại ngũ cốc, các loại dầu thực vật, các loại đậu nguyên hạt, bơ thực vật (margarine) và trứng.

 

Và đây chính là các nhóm thực phẩm các bà bầu nên bổ sung nhiều trong 3 tháng cuối thai kỳ cũng như trong giai đoạn cho con bú. Riêng với các loại cá biển, chỉ cần ăn 2 bữa/tuần là đủ cung cấp DHA cần thiết cho cơ thể.

 

Sau sinh, đặc biệt là với các bà mẹ cho con bú sữa mẹ 100% trong 4 - 6 tháng đầu, chế độ dinh dưỡng của mẹ sẽ quyết định chất lượng sữa của bé. Lúc này, do thói quen dinh dưỡng của người Việt, kiêng khem nhiều chất chất tanh, người mẹ có thể bổ sung DHA thường xuyên qua cá thu, trứng và sữa có bổ sung DHA… để đạt được mức DHA lý tưởng theo khuyến cáo là 17mg/100 calo sữa. Riêng với dầu cá bổ sung, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ  (việc bổ sung quá nhiều có thể dẫn tới lượng tiền chất DHA trong máu cao, gây nóng trong).

 

Với trẻ ít bú mẹ hoặc đã qua giai đoạn bú mẹ thì việc uống sữa bổ sung DHA tự nhiên với hàm lượng 17mg/100calo (cao gấp 4 lần so với lượng DHA có trong nhiều loại sữa hiện nay) và cho trẻ dưới 6 tuổi ăn bổ sung các nhóm thực phẩm giàu axit béo omega-3 và omega-6 kể trên cũng có thể giúp trẻ có thể đạt được kích thước não bộ cũng như chỉ số phát triển trí tuệ tối ưu nhất.

 

Nhân Hà

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ