Để không già trước tuổi

Ai biết cách ứng dụng chất kháng oxy hóa, biết cách ăn uống để giảm bớt gánh nặng giải độc của gan, thận... người đó có khả năng kéo dài tuổi xuân.

Vấn nạn của con người hiện nay là hiện tượng tế bào đua nhau già trước tuổi. Cơ thể làm sao trẻ nổi khi tế bào là miếng mồi ngon của vô số độc tố mang tên chất oxy hóa. Chuyện gì cũng có nguyên nhân.

Nếu bên cạnh hàng lố độc chất ngoại lai từ môi trường ô nhiễm... cơ thể còn phải đối đầu liên tục với vô số độc tố nội sinh từ qui trình biến dưỡng, từ phản ứng bất lợi của hiện tượng tích lũy nội tiết tố chống stress... thì đâu có gì khó hiểu nếu da nhăn, mắt cườm, khớp thoái hóa, mạch máu xơ vữa... không mời cũng đến.

Hủy hoại tế bào

Mọi hoạt động của cơ thể đều là cơ sở để hình thành chất oxy hóa. Càng dùng nhiều dưỡng khí thì cơ thể càng mau “gỉ sét”. Nhưng không dùng dưỡng khí thì dùng gì để sống? Do đó, không thể né tránh tình trạng lão hóa, trừ khi có cách giảm thiểu lượng chất oxy hóa trong cơ thể. Nếu không thể ngoảnh mặt làm ngơ thì vấn đề chỉ còn là làm sao có thể bình thản đồng hành với tuổi già?

Trên lý thuyết không quá khó nếu muốn loại trừ chất oxy hóa. Các chất này có tuổi thọ sinh học rất ngắn và sẽ bị đào thải dễ dàng trong vài phần ngàn giây nếu không tìm được nơi nương tựa. Chất oxy hóa cũng biết thế nên đâu chịu bó tay nhờ hiểu rõ một nhược điểm của tế bào. Cấu trúc của màng tế bào có rất nhiều chỗ hở.

Chất oxy hóa bèn nhân lúc “tranh tối tranh sáng” bám ngay vào đó. Sau khi cắm dùi vào thành tế bào thì chất oxy hóa tránh được sự truy lùng của hệ thống kháng bệnh. Thực bào, bạch huyết cầu cho dù có phát hiện được chất oxy hóa đang “lả lơi” trên thành tế bào cũng đành làm ngơ vì “vuốt mặt phải nể mũi”.

Mặt khác, chất oxy hóa một khi có chỗ dựa lưng thì dễ gì chịu an phận. Chất oxy hóa vừa nhanh tay bỏ túi chất dinh dưỡng của tế bào vừa ra sức vét sạch lượng dưỡng khí cần thiết cho tiến trình biến dưỡng nội bào. Cấu trúc của tế bào trong hoàn cảnh bị “rút ruột” đủ kiểu đến lúc nào đó phải biến dạng, hoặc già nua co rúm nhăn nheo, hoặc biến thể khi phân hóa. Thoái hóa, xơ vữa, ung thư... khi đó chỉ còn là chọn lựa may rủi ở nạn nhân của chất oxy hóa.

Vô hiệu hóa chất oxy hóa

Cơ thể cũng không ngồi yên chịu chết. Nhờ sự giúp đỡ của các hoạt chất được xếp vào nhóm kháng oxy hóa như tiền sinh tố A, sinh tố C, E, hay khoáng tố như selen, kẽm, crôm, mangan, hay hoạt chất sinh học trong dược liệu thiên nhiên, hoặc men phân giải chất đạm... cơ thể liên tục tìm cách vô hiệu hóa chất oxy hóa bằng nhiều cách...

Kết quả nghiên cứu đã chứng minh khả năng chống lão hóa của các chất kháng oxy hóa. Nói cách khác, ai biết cách ứng dụng các chất kháng oxy hóa, dù là tiền sinh tố A trong dầu gấc, yếu tố R trong sữa ong chúa, khoáng tố vi lượng trong linh chi, hay đơn giản hơn là men papain trong đu đủ, bromalin trong thơm, lycopen trong cà chua, flavon trong vỏ đậu xanh... người đó có nhiều hi vọng kéo dài tuổi trẻ. Ngoài ra, ai biết cách ăn uống để giảm bớt gánh nặng giải độc của gan, thận là người biết cách đẩy tuổi già ra xa.

Uống nhiều nước

Chất kháng oxy hóa tuy là phương tiện để trì hoãn tuổi già, song chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Khi khảo sát nhiều chục ngàn người sống hơn trăm tuổi ở nhiều nơi trên thế giới, từ quần đảo Phù Tang cho đến vùng Sardinien ở miền nam nước Ý, các nhà nghiên cứu bất ngờ phát hiện một hiện tượng khó giải thích. Đa số họ hầu như không hề có chế độ dinh dưỡng kiêng khem, cũng không phải lúc nào cũng có chất kháng oxy hóa trên bàn ăn. Ấy vậy mà họ sống thọ mới hay...

Khi soát lại lần nữa dữ kiện thống kê trong nếp sinh hoạt của nhóm người này, họ hầu như đều có thói quen uống nhiều nước trong ngày. Hợp lý quá, khi tối thiểu 70% thành phần cấu tạo của cơ thể là nước! Thuốc nào “cải lão hoàn đồng” cho nổi khi tế bào thiếu nước!

Quan trọng hơn nữa, các thành phần giúp “gia chủ” mãn nguyện, lạc quan, yêu đời như endorphine, serotonine lại rất cao, thậm chí cao hơn nhiều người đang trong độ tuổi xuân thì. Không chừng bí quyết của người sống thọ nằm trong một chữ “tâm”!

Theo Bác sĩ Lương Lê Hoàng
Tuổi Trẻ