Dễ đột quỵ trong giờ thể dục nếu khởi động sai

(Dân trí) - Thời gian gần đây, liên tục xảy ra hiện tượng học sinh đột tử trong giờ thể dục. Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự vận động đột ngột và khả năng cấp cứu tại chỗ của hệ thống y tế chưa cao.

Ngày 12/2, trong buổi học đầu tiên của năm mới 2008, em Nguyễn Duy Trinh, học lớp 11A4, Trường THPT Thanh Chương I (huyện Thanh Chương - Nghệ An) đã bị ngất và tử vong sau đó, do truỵ tim. 

Trước đó, cũng tại Nghệ An, em Hoàng Xuân Bách, 17 tuổi, học sinh lớp 12E trường PTTH Bán công thị xã Cửa Lò đã tử vong khi đang triển khai phần kiểm tra môn chạy dài. Em Bách đi chân không, chạy trong trời lạnh.

Mới đây, tại TPHCM cũng xảy ra sự kiện một nam sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Quận 2 đột tử sau khi hoàn thành phần thi chạy…

Một loạt biến cố xảy ra trong tiết thể dục đã gây hoang mang cho học sinh, cha mẹ các em và cả nhà trường.

Có thể do bệnh lý tiểm ẩn

Ông Phan Quốc Chiến, Phó phòng Thể dục thể thao quần chúng - Viện Khoa học Thể dục Thể thao (người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn thể dục trong các trường học) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh bị đột quỵ trong hoặc sau khi vận động.

Trước hết là bệnh lý, đặc biệt là bệnh tim mạch, hô hấp (như bệnh hen) vốn đã tiềm ẩn trong các em mà không được phát hiện. Sự vận động đột ngột, quá tải từ thể tĩnh sang thể động trong khi cơ thể đang mệt mỏi hay suy kiệt do đói lả, căng thẳng là những yếu tố khiến các em có thể bị suy hô hấp dẫn đến phù não hoặc truỵ tim mạch.

Bên cạnh đó, cũng không thể loại trừ khả năng các em bị cảm lạnh đột ngột hay còn gọi là trúng gió độc.

Trước câu hỏi: Một học sinh bình thường bị bắt buộc chạy bằng chân đất trong khi thời tiết đang lạnh giá có thể đột tử, ông Chiến cho rằng: “Trên lý thuyết là khó có thể xảy ra, bởi hiện nay Bộ GD-ĐT đã có những quy định cụ thể về thời điểm nghỉ học cho từng cấp học sinh, khi nhiệt độ xuống quá thấp.

Còn khi đã đến trường, đương nhiên học sinh đó đã có sự chuẩn bị để giữ ấm và có một quãng thời gian từ nhà đến trường để thích nghi với thời tiết bên ngoài.

Vì vậy, nếu em học sinh đó không có bệnh lý khi bị bắt buộc phải chạy chân không trong thời tiết lạnh thì theo phản xạ cơ thể sẽ co lại (đi lại co ro), động tác thực hiện bị chậm lại, nhưng nó không thể gây ra những phản ứng mạnh đến mức khiến học sinh đó đột quỵ. Phản ứng gây chết người chỉ có thể xảy ra khi bệnh lý phát tác”.

Tuy nhiên, ông Chiến cũng thừa nhận rằng, hiện tượng học sinh ngất xỉu trong giờ thể dục là thường gặp. Một trong những lý do được đưa ra là các em đã quá gắng sức trong khi không có thời gian khởi động đủ để cơ thể thích nghi. Bên cạnh đó, có những loại “bệnh” đặc trưng của tuổi dậy thì như: rối loạn hệ thần kinh thực vật (sẽ tự khỏi khi các em phát triển hoàn chỉnh cơ thể), thời kỳ “đèn đỏ” của nữ sinh khiến các em rơi vào trạng thái yếu ớt.

Cấp cứu tại chỗ cực kỳ quan trọng

Theo ông Chiến, điều rất quan trọng khi xảy ra tai nạn đột quỵ là phải biết cách cấp cứu tại chỗ. Tuy nhiên, không phải giáo viên thể dục nào cũng có kinh nghiệm trong việc này.

Có không ít học sinh vì nhiều lý do khác nhau thường nhịn ăn sáng (bữa ăn cực kỳ quan trọng đối với cơ thể) dẫn đến hiện tượng hạ đường huyết (hoa mắt chóng mặt), cộng thêm vấn đề bệnh tật tiềm ẩn trong cơ thể đột đột phát tác sẽ gây ra hiện tượng đột quỵ.

Trong thời điểm đó, nếu thầy cô giáo nhanh chóng phán đoán rồi thực hiện những động tác cấp cứu tại chỗ thì có thể tránh được hậu quả xấu.

Ví dụ, nếu bị đột quỵ trong thời tiết lạnh thì ngay lập tức phải nới lỏng quần áo tạo điều kiện cho máu lưu thông, xoa dầu, làm nóng những vùng nhạy cảm trên cơ thể như hai gan bàn chân, hai lòng bàn tay, thái dương, vùng ức (ngực)… rồi chuyển ngay học sinh vào khu vực ấm, kín gió và cho các em uống một cốc trà đường để tăng đường huyết.

Ngược lại, nếu học sinh bị đột quỵ khi thời tiết nắng nóng thì rất có thể đó là trường hợp bị cảm nắng (say nắng). Biện pháp cấp cứu là để bệnh nhân nằm tại chỗ tạo bóng râm, quạt mát (tăng cường oxy) và chờ bệnh nhân hồi phục thì mới tiến hành đưa đi trạm xã. Tuyệt đối tránh việc xốc ngay bệnh nhân bị cảm nắng đưa đi cấp cứu, bởi lúc này các mạch máu đang căng và cố bơm máu để phục hồi. Nếu bị vận động đột ngột có thể dẫn đến hiện tượng sốc do trụy tim.

Ông Chiến cũng cho rằng, hiện nay thời tiết miền Bắc đang trải qua mùa đông rét buốt, kiểu khí hậu có hại và làm tăng sức ì của cơ thể. Việc duy trì các bài tập thể dục nhằm tăng cường thể chất là điều cần thiết. Tuy nhiên, trong những ngày thời tiết quá lạnh, phía nhà trường nên yêu cầu giáo viên hướng dẫn thể dục cho học sinh điều chỉnh giáo án sao cho phù hợp với sức khoẻ của các em.

“Nên tăng cường thời gian khởi động để cơ thể các em có thời gian thích nghi với trạng thái động. Trong những ngày giá rét, thầy cô có thể thay những bài tập nặng như nhảy cao, nhảy xa bằng những bài tập nhẹ hơn như chạy bộ. Tốt nhất là không nên đặt điều kiện về điểm.

Phía gia đình cũng nên chú ý hơn về trạng thái sức khoẻ của con em mình hơn. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất bình thường, nên đưa đến khám tại các cơ sở y tế chuyên nghiệp, bởi trên thực tế, việc khám sức khoẻ định kỳ tại trường học rất khó có thể phát hiện những bệnh lý liên quan đến tim mạch, hô hấp hay tuần hoàn máu của các em” - ông Chiến đưa ra lời khuyên.

P. Thanh