ĐBSCL “đau đầu” vì nhiều bác sĩ bỏ bệnh viện công qua bệnh viện tư

(Dân trí) - Bác sĩ ngành hiếm đã thiếu lại nhiều người sắp về hưu. Còn bác sĩ đa khoa ở các bệnh viện công thì “tha thiết” qua bệnh viện tư. Đó là thực tế đang diễn ra trong ngành y tế ĐBSCL.

13 Trung tâm pháp y nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành!

Theo báo cáo của Trường ĐH Y dược Cần Thơ chiều 15/8 tại “Hội nghị đào tạo nhân lực Y tế khu vực ĐBSCL”, năm 2015, tỷ lệ BS,DS /1 vạn dân trong của vùng là 6,35 BS và 1,39, hoàn toàn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ví như tỉnh Kiên Giang hiện có tới 50 trạm y tế xã chưa có bác sĩ phụ trách.

Lãnh đạo địa phương, trường ĐHYD Cần Thơ cùng tham gia thảo luận tại hội nghị
Lãnh đạo địa phương, trường ĐHYD Cần Thơ cùng tham gia thảo luận tại hội nghị

Đặc biệt, 5 chuyên ngành hiếm gồm (Giải phẫu bệnh, Lao, Phong, Pháp y, Tâm thần) đang thiếu trầm trọng. Vì trong số 152 BS đang làm việc tại 5 chuyên ngành hiếm đến năm 2020 có trên 50% số BS đến tuổi nghỉ hưu.

Trong đó, chỉ riêng chuyên ngành Pháp y hiện chỉ có 4 bác sĩ/ 13 Trung tâm pháp y, còn lại là BS chuyên khoa khác. Hay như chuyên ngành Lao, tỉnh Kiên Giang hiện không có bác sĩ chuyên ngành nào. Còn chuyên ngành Giải phẫu thì có đến 5 tỉnh không có bác sĩ chuyên ngành này để phục vụ cho khoa Ung bướu của bệnh viện tỉnh.

Bác sĩ Cao Mỹ Phượng – Giám đốc Sở y tế Trà Vinh nêu lên thực tế: Sinh viên không mặn mà với ngành hiếm, nên nhiều năm qua chỉ tiêu ngành hiếm ở tỉnh này không đạt. Sở Y tế kiến nghị HĐND hỗ trợ học phí cho các em ngành hiếm, đồng thời cũng đề nghị điểm của ngành hiếm nên thấp hơn nữa thì may ra còn có các em đăng ký học.

Bệnh viện công không cạnh tranh nỗi mức lương với bệnh viện tư!

Theo ghi nhận của phóng viên, trong suốt 3 tiếng thảo luận, trao đổi, có đến 10/13 tỉnh, thành xin thêm chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch tỉnh An Giang cho biết: “An Giang không dám trông gì các ở em đậu ĐH Y dược chính quy ở TP HCM hay Cần Thơ sau khi tốt nghiệp trở về quê hương phục vụ. Bởi trong tiền lệ hầu như rất ít em học xong bác sĩ chính quy trở về quê hương phục vụ. Chúng tôi chỉ trông mong vào các em đi học theo địa chỉ sử dụng trở về”.

ĐBSCL hiện nay có nhiều bác sĩ xin chuyển việc từ bệnh viện công qua bệnh viện tư
ĐBSCL hiện nay có nhiều bác sĩ xin chuyển việc từ bệnh viện công qua bệnh viện tư

Đặc biệt, một số tỉnh kêu “chảy máu” chất xám nhưng chưa có cách khắc phục vì không cạnh tranh nỗi mức lương của các bệnh viện tư!

“An Giang từ đầu năm tới nay có khoảng 20 bác sĩ rời khỏi bệnh viện công đến làm việc cho bệnh viện tư, đây là vấn đề rất nhức nhối”, ông Bình cho biết.

Đồng tình với ông Bình, ông Từ Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết: “Có một số trường hợp bác sĩ xin nghỉ, tỉnh đã trì hoãn nhưng họ vẫn nhất quyết ra đi, thậm chí tại tỉnh có ba trường hợp sẵn sàng bồi thường kinh phí đào tạo để ra đi”. Giải thích cho tình trạng này, ông Tuấn cho rằng là do thu nhập ở bệnh viện công chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng, trong khi ra bệnh viện tư thì thu nhập cao hơn nhiều.

Ông Vương Phương Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cũng nêu ý kiến tương tự: “ấy tháng đầu năm ở Bạc Liêu có đến 14 bác sĩ bỏ bệnh viện Nhà nước qua bệnh viện tư. Thời gian gần đây ở Bạc Liêu có một số bác sĩ được tỉnh đưa đi đào tạo theo địa chỉ sử dụng, nhưng khi về làm việc được một hai năm rồi bỏ qua bệnh viện tư. Thậm chí, những bệnh viện tư này còn cho bác sĩ mượn tiền để hoàn trả tiền đào tạo cho tỉnh”.

Ông Nam cũng bày tỏ lo lắng ngành y tế Bạc Liêu khó hoàn thành nhiệm vụ khi bác sĩ lành nghề thì xin nghỉ việc còn bác sĩ ở các ngành hiếm đã được giao chỉ tiêu thì không vận động được họ vào học, cùng với đó là bác sĩ bỏ công sang tư.

Không riêng gì ở Bạc Liêu hay An Giang mà từ đầu năm tới nay "làn sóng" bác sĩ xin nghỉ việc ở bệnh viện công qua bệnh viện tư xảy ra hầu hết ở các tỉnh ĐBSCL.

Phạm Tâm