Dây chuyền sản xuất văcxin dại Fluenzalida vẫn hoạt động

(Dân trí) - “Không còn dùng để sản xuất vắc xin dại nhưng Công ty sản xuất vắc xin và sinh phẩm số 1 (Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ) vẫn sử dụng dây chuyền này để sản xuất những sinh phẩm khác, trong đó có văcxin phòng cúm A/H5N1 ở người”.

(PGS.TS Nguyễn Thu Vân - Tổng Giám đốc Công ty sản xuất vắc xin và sinh phẩm số 1 Hà Nội (Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ) cho biết:

 

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có những kết luận ban đầu đối với dây chuyền sản xuất vắc xin dại Fluenzali. Theo kết luận này thì việc đầu tư, mua sắm thiết bị để sản xuất vắc xin dại thế hệ cũ Fluenzalida tại Cty vắc xin - Sinh phẩm y tế số 1 Hà Nội là không hợp lý, kém hiệu quả, gây lãng phí về kinh tế (tổng giá trị thiết bị dây chuyền là 1.287.119 USD). Trong khi đó việc quản lý, sử dụng vắc xin có quá nhiều tồn tại, hạn chế….Bà nghĩ sao về kết luận đã đưa ra của TTCP?

 

Công ty Sinh phẩm y tế số 1 Hà Nội là một trong ba đơn vị sản xuất vắc xin dại Fluenzalida. Dây chuyền sản xuất là do Chính phủ đầu tư. Dù không là chủ đầu tư nhưng chúng tôi cũng là đơn vị sản xuất. Cho rằng lãng phí và hiệu quả chưa cao thì cũng không đầy đủ vì từ trước tới nay ở nước ta chỉ có loại vắc xin ấy thôi. Chính nhờ loại vắc xin này mà từ năm 1975 đến giờ, số người tử vong vì bệnh dại giảm đi rất nhiều.

 

Nhưng từ năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới đã có khuyến cáo ngừng sử dụng vắc xin Fluenzalida bởi những tai biến có thể xảy ra. Vậy mà những loại vắc xin này vẫn được sử dụng rộng rãi ở nước ta cho đến khi có hàng loạt tai biến nghiêm trọng xảy ra. Vì sao trong nhiều năm, kể từ khi có khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Viện Vệ sinh dịch tễ không chuyển sang sản xuất loại vắc xin khác an toàn hơn. Phải chăng đã “trót” đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất nên phải cố tận dụng?

 

Năm 1975, công nghệ sản xuất vắc xin Fluenzalida chưa phải là công nghệ cũ. Tuy nhiên, khoa học thì ngày càng tiến bộ và luôn mong muốn có vắc xin đạt hiệu quả an toàn cao hơn. Đến năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới có khuyến cáo không nên sử dụng vắc xin từ mô não động vật nhưng không bắt buộc ngừng.

 

Lúc đó, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo những đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin cố gắng nỗ lực đi tìm công nghệ mới thay thế công nghệ cũ. Phía Viện Vệ sinh dịch tễ cũng đã có lần thương thảo với đối tác nước ngoài để chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hầu như các nhà sản xuất đều từ chối. Họ chỉ muốn bán vắc xin cho ta hoặc hợp tác để lưu hành sản phẩm trong nước. Cái khó là ở đó.

 

Còn về dây chuyền sản xuất vắc xin Fluenzalida, đó không phải là thiết bị đặc chủng chỉ dùng sản xuất một loại vắc xin dại Fluenzalida mà dùng để sản xuất vắc xin chung.

 

Công ty chúng tôi cũng đã báo cáo lên Bộ Y tế. Hiện tại đã ngừng sản xuất Fluenzalida, nhưng toàn bộ dây chuyền đó hiện vẫn dùng để sản xuất những loại khác, trong đó có vắc xin viêm não, viêm gan A, cúm A/H5N1 thế hệ mới. Loại vắc xin dại trên tế bào Vero công nghệ mới nhất cũng đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, để ra được một loại vắc xin mới thì mất rất nhiều thời gian, chắc chắn là trong năm nay chúng ta vẫn phải dùng vắc xin nhập khẩu.

 

Một dây chuyền sản xuất nhiều loại vắc xin vậy có ảnh hưởng gì đến chất lượng của từng loại?

 

Dây chuyền tức là cả hệ thống phòng ốc liên hoàn của công ty, sản xuất mỗi loại vắc xin theo từng giai đoạn và áp dụng theo quy chế sản xuất vắc xin, không được đồng thời hai loại sản phẩm. Ví dụ, giai đoạn này đang sản xuất vắc xin viêm gan A, sau khi sản xuất đủ chúng tôi phải ngưng hẳn trong 3 tháng, làm vệ sinh phòng ốc theo đúng tiêu chuẩn rồi mới lại sản xuất loại khác.

 

Câu hỏi liên quan đến vắc xin phòng cúm A/H5N1 cho người: Nếu vắc xin này được lưu hành rộng rãi nó có hoàn toàn an toàn?

 

Không nhà sản xuất vắc xin nào dám khẳng định 100% người sử dụng an toàn, bởi khi tiêm vào cơ thể mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau. Vắc xin phòng cúm A/H5N1 cũng vậy, khi tiêm vắc xin cúm H5N1 cũng có thể xảy ra sốc.

 

Khi tiêm vắc xin có hai loại phản ứng cần để ý là: Phản ứng tại chỗ với biểu hiện đau, mẩn ngứa và phản ứng toàn thân có biểu hiện sốt, đau, đầu, đi ỉa, sốt.

 

Cảm ơn TS!

 

P. Thanh (thực hiện)