Đau lòng những trẻ đang khỏe mạnh trở nên li bì vì viêm não mùa hè

(Dân trí) - “Cháu nó 10 tuổi, khỏe mạnh, thế mà chỉ một cơn sốt cao gồng cứng người, được đưa đi viện luôn, giờ 13 ngày nằm viện rồi lại trở về như một đứa trẻ mới sinh, không nhấc được cổ, không nói được, không ngồi được. Tôi chỉ biết mong chờ phép màu khi phục hồi chức năng sẽ trả lại cháu như trước đây”.

Di chứng, nguy kịch vì viêm não

Cháu Đỗ Minh T (Yên Mỹ, Hưng Yên) nằm trên giường bệnh khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) thiêm thiếp. Bà nội cháu T. cho biết, hiện tại so với thời điểm vào viện hôm 2/6, cháu đã đỡ hơn rất nhiều.

“Diễn biến nhanh lắm, cháu sốt cao, không co giật mà người cứ gồng cứng lên, gia đình đưa đến viện luôn. Chỉ mất một buổi sáng 2/6 ở bệnh viện huyện, tỉnh là cháu được chuyển đến BV Nhi ngay trong ngày. Thế mà li bì, hôn mê ngay. Giờ cháu đã tỉnh hơn, mập mờ gọi biết nhưng không nói, không ngồi được, không nhấc được cổ”, bà nội T. buồn bã nói.

Sau 13 ngày điều trị, bé T đã qua nguy kịch nhưng sẽ còn phải phục hồi chức năng lâu dài vì bé không nói được, không ngồi, không cất cổ được. Ảnh: H.Hải
Sau 13 ngày điều trị, bé T đã qua nguy kịch nhưng sẽ còn phải phục hồi chức năng lâu dài vì bé không nói được, không ngồi, không cất cổ được. Ảnh: H.Hải

Bà nội cháu T cho biết thêm không nhớ chính xác bé đã được tiêm đủ số mũi vắc xin viêm não Nhật Bản chưa, nhưng theo trí nhớ của bà T mới một lần đi tiêm vắc xin này.

Trong chiều 14/6, T sẽ được chuyển sang Trung tâm phục hồi chức năng. Các bác sĩ hi vọng sau phục hồi chức năng cháu sẽ ổn định hơn sau đợt điều trị viêm não Nhật Bản B.

“Hiện tại dù bé chưa nói được, nhưng đang cố gắng mấp máy miệng. Tay trái, chân trái trước đó không có cảm giác, nay đã có cảm giác hơn nên chúng tôi rất hi vọng phục hồi chức năng sẽ giảm bớt di chứng não do viêm não Nhật Bản B gây ra”, BS điều trị cho biết.

Nằm trên giường bệnh phòng bên cạnh, bé Nguyễn Minh T (3 tuổi, Bắc Ninh) vẫn đang trong tình trạng li bì dù đã nằm viện đến 13 hôm. Bác sĩ điều trị cho biết chưa xác định được căn nguyên gây viêm não cho bé dù nghĩ nhiều đến viêm não Nhật Bản. Bác sĩ cũng chưa thể đánh giá được khả năng hồi phục bởi bệnh nhân đang trong giai đoạn cấp của bệnh, biểu hiện rất nặng nề. Chưa kể hiện tại bé đang có dấu hiệu liệt.

Bệnh nhi T được đưa đến viện đã ở ngày thứ 3 sau sốt, đã có dấu hiệu li bì, tri giác bị liệt.

TS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cho biết, khoa tiếp nhận rải rác các bé có biểu hiện viêm màng não, viêm não vào điều trị. Nguy hiểm của chứng bệnh này, biểu hiện ban đầu rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt cao khác nên trẻ không được gia đình đưa đến viện kịp thời.

Chú ý dấu hiệu sớm

Trong mùa dịch viêm não, viêm màng não từ tháng 5 đến tháng 7, nếu trẻ sốt liên quan đến tri giác lơ mơ li bì, kèm theo dấu hiệu co giật khu trú tay chân co cứng, dấu hiệu thần kinh, đau đầu nhiều cần nghĩ đến nguy cơ này để đến viện sớm. Việc điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ di chứng để lại cho não bộ là vĩnh viễn, suốt đời.

Hãy chú ý đến những bé sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn mà việc dùng thuốc hạ sốt không mang nhiều hiệu quả giảm sốt, giảm đau; triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện sớm nhất để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bé. Bác sĩ cần theo dõi bệnh nhi, khám thực thể xem trẻ có bị cứng cổ, cứng gáy, cứng cơ toàn thân không… để quyết định chọc dịch não tủy chẩn đoán xác định kịp thời điều trị.

Nhất là với viêm não Nhật Bản. So với các thể viêm não khác, bệnh nhi viêm não Nhật Bản rất nguy kịch, nặng nề, nguy cơ để lại di chứng thần kinh sau này là khó tránh khỏi.

Đặc biệt, do diễn tiến của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng thường phức tạp và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên việc bệnh nhân đến viện khi đã có biến chứng vẫn thường xảy ra.

Ở giai đoạn đầu này người bệnh thường dễ bị bỏ qua do người nhà chủ quan, nghĩ con bị sốt, viêm đường hô hấp thông thường. Trong khi đó, khi được phát hiện sớm, não chưa bị tổn thương tỉ lệ điều trị thành công sẽ cao hơn, ít di chứng thần kinh hơn.

Tiếp đến bệnh nhi có các biểu hiện sốt cao liên tục 38-40 độ C, đau đầu, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, mi mắt. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng tỷ lệ có di chứng rất cao. Với các ca mắc viêm não thông thường, nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể gây tổn thương não.

Khi trẻ được 1 tuổi sẽ được tiêm mũi vắc xin viêm não Nhật Bản đầu tiên; mũi hai sau mũi một 1-2 tuần; mũi ba cách mũi hai một năm. Cần lưu ý, phải tiêm đủ 3 mũi hiệu lực bảo vệ mới đạt 90 – 95%. Còn nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Nên nhắc lại bằng 1 mũi vắc xin VNNB khoảng 5 năm sau để cũng cố miễn dịch.

Hồng Hải