Đau bụng kinh

Hiện tượng đau bụng dưới liên quan đến kinh nguyệt nên gọi là đau bụng kinh. Có người gọi là “thống kinh” bởi thống có nghĩa là đau.

1. Có mấy loại đau bụng kinh?

Đau bụng kinh thường được chia làm 2 loại:

Đau bụng kinh nguyên phát: Thường gặp ở các bạn mới dậy thì và kéo dài trong 3 năm. Nguyên nhân thường do sự co thắt quá mức của cơ trơn tử cung để đẩy máu kinh ra ngoài. Những trường hợp này chỉ cần uống thuốc giãn cơ trơn (Công ty Sanofi - aventis có thuốc Spasmaverin) có khi cơn đau đã hô biến rồi.

Đau bụng kinh thứ phát: Nếu sau 3 năm “chịu khổ” có chu kỳ mà bạn vẫn còn bị đau thì bạn phải đi khám vì có thể vì những lý do sau:

- Các lỗ ở màng trinh của bạn ít và nhỏ nên mỗi lần cơ tử cung co không đẩy máu ra được.

- Bạn giữ vệ sinh kinh nguyệt không tốt nên bị viêm nhiễm.

- Phụ nữ có gia đình dễ bị viêm nhiễm nếu giữ vệ sinh sau khi làm “chuyện ấy” không cẩn thận. Hoặc là họ bị những bệnh lây qua đường tình dục không chữa trị triệt để gây dính vùng tiểu khung.

2. Có thể gọi đau bụng kinh là “nỗi khổ có chu kỳ” của phụ nữ không?

Đúng vậy. Nhiều người cho là “trời bắt tội”, có người chửi Tạo hoá thiếu công bằng, có kinh đã vất vả rồi lại còn bị đau bụng làm cơ thể lúc nào cũng ở trạng thái khó chịu.

3. Vì sao lại đau bụng kinh?

Chúng ta biết là khi máu kinh chảy thì phải có yếu tố co thắt cơ tử cung để “đẩy” chúng ra ngoài. Cơ tử cung co lại, lập tức kích thích bài tiết một chất có tên là Prostaglandin- hắn là thủ phạm gây cảm giác đau cho giới nữ.

4. Nếu vậy tại sao có người đau ít, có người đau nhiều?

Bạn hỏi câu này giống như hỏi: tại sao nhỏ kia cao, còn em lại thấp. Cơ thể mỗi người là một vũ trụ riêng biệt nên mỗi người một kiểu (kể cả những cặp sinh đôi giống nhau như hai giọt nước). Prostaglandin gây đau nhiều hay ít lại phụ thuộc vào chất cảm thụ đặc hiệu (receptor). Nếu chất cảm thụ đặc hiệu thuộc hàng nhạy cảm thì bạn bị đau ghê gớm, đau quằn quại, đau tái mặt, vã mồ hôi. Còn bạn nào may mắn chất cảm thụ đặc hiệu “đội mũ phớt” tiếp nhận kẻ gây đau một cách hững hờ thì cái đau chỉ thoáng qua, cảm nhận thấy sự co thắt, bụng dưới hơi nặng, thế thôi.

5. Biết thủ phạm gây đau bụng kinh rồi, chắc phải uống thuốc?

Đau bụng kinh - 1

Đúng vậy. Với đau bụng kinh nguyên phát, do thủ phạm gây đau thường là do tử cung co thắt, nên bạn có thể “xử” ngay gốc vấn đề bằng việc sử dụng 1 đến 2 viên thuốc chống co thắt cơ trơn tử cung như Spasmaverine. Bạn sẽ cảm thấy hết đau bụng do thuốc có tác dụng làm giảm co thắt tử cung. Có thể ngăn cơn đau trong cả ngày với 2-3 liều thuốc. Ngòai ra, bạn cũng có thể “đánh đường vòng” bằng cách dùng những loại thuốc khống chế việc tiết ra “chất gây đau” (Prostaglandin). Tuy nhiên, với cách này mình vẫn chưa dẹp được nguồn gốc của vấn đề.

6. Có phải bị đau bụng kinh cứ lấy chồng là hết?

Nhiều người cũng nói như thế bởi có trường hợp đã như vậy. Những trường hợp này màng trinh có lỗ thủng vừa bé vừa ít nên máu đẩy ra không thoát được. Sau khi lấy chồng chẳng còn gì bít nữa, thế là hết đau.

Tác giả :TS BS Lê Thúy Tươi

* Trích sách “Chuyện bạn gái chúng mình”