Đặt vòng giảm béo: Không phải là phẫu thuật thẩm mỹ

Số người đăng ký đặt vòng giảm béo tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội “đủ cho các bác sĩ phẫu thuật mệt đến cuối năm”! Chi phí đặt vòng ở đây bằng 1/3 các bệnh viện quốc tế vì Việt Đức cho rằng đây là phương pháp chữa bệnh, chứ không phải phẫu thuật thẩm mỹ.

Gần một tháng kể từ khi bắt đầu thử nghiệm kỹ thuật, TS Trần Bình Giang, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết hai bệnh nhân đầu tiên đều khỏe, tốc độ giảm cân tốt và nếu không có gì thay đổi, chỉ số khối cơ thể (BMI) của họ sẽ về mức tiền béo phì sau một năm nữa.

 

Bệnh nhân đầu tiên cao 1,65m, nặng 97kg, chỉ số BMI lên đến 36, tương đương với béo phì độ 2, lại kèm theo bệnh thoái hóa khớp. Bệnh nhân thứ hai, chị L.A., sống tại TPHCM, nặng xấp xỉ 100kg, BMI lên đến 40, tức béo phì độ 3. Ấy nhưng TS Giang thông báo: “Chỉ sau hai tuần đặt vòng, bệnh nhân L.A. đã giảm được 10kg”.

 

Duy nhất ở Việt Nam

 

Chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, trừ người có thai, BMI từ 18,5-24,9 được coi là bình thường. BMI ở mức 25-29,9 là tiền béo phì.

 

Cách của bác sĩ là nội soi đặt một chiếc vòng (theo bác sĩ Bình Giang, gọi là vòng thì hay hơn đai) thắt dạ dày bệnh nhân làm hai “túi”. Khi bệnh nhân ăn, thức ăn sẽ đến túi dạ dày trên trước làm bệnh nhân nhanh cảm thấy no, giảm lượng thực phẩm ăn vào. Trong khi cơ thể vẫn cần năng lượng để tồn tại nên huy động luôn năng lượng từ lượng mỡ thừa, vì thế bệnh nhân tiêu hao được năng lượng ăn vào và lượng mỡ thừa khiến trọng lượng giảm.

 

Chỉ có điều lưu ý là bệnh nhân phải thực hiện chế độ ăn kiêng theo hướng dẫn của bác sĩ, ăn thức ăn đặc riêng, loãng riêng (tức là ăn cơm trước, uống nước sau, không ăn cơm đã chan canh làm thức ăn nhanh chảy xuống túi dạ dày dưới, khiến người muốn giảm béo tiếp tục muốn ăn thêm) - TS Giang cho biết.

 

Theo TS Giang, nếu bệnh nhân gầy quá nhanh, bác sĩ sẽ nới vòng rộng ra để tăng lượng thực phẩm ăn vào cho bệnh nhân và ngược lại. Khi trọng lượng cơ thể bệnh nhân đạt yêu cầu, bác sĩ sẽ nới vòng ra đến mức tối đa có thể vừa đảm bảo duy trì cân nặng, vừa đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân.

 

Sau khi Thụy Sĩ sản xuất thành công vòng thắt dạ dày, đến nay đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng biện pháp này. Tại VN, tháng ba vừa qua TS Trần Bình Giang và một ê kíp y - bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã tới học cách đặt vòng giảm béo tại Pháp. Sau đó, Bộ Y tế đã cho phép Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện đầu tiên thử nghiệm ứng dụng kỹ thuật tại VN.

 

Chữa bệnh là chính!

 

Theo hướng dẫn của TS Bình Giang, bệnh nhân có nhu cầu đặt vòng giảm béo phải được kiểm tra sức khỏe toàn diện nhằm xem xét có đáp ứng được cuộc phẫu thuật. Nếu đáp ứng yêu cầu, bệnh nhân chỉ cần vào bệnh viện nửa ngày trước khi phẫu thuật (kéo dài trong khoảng 30 phút) và nửa ngày sau mổ có thể tự đi lại, tự vệ sinh cá nhân. Một ngày sau mổ có thể ra viện.

 

Tuy nhiên, do bệnh nhân được gây mê toàn thân trong khi phẫu thuật nên bệnh nhân suy tim và một số bệnh khác có quá béo cũng đành chịu, không thể tham gia kỹ thuật này.

 

“Nếu so sánh với các bệnh viện quốc tế cùng triển khai kỹ thuật này, chi phí tại Bệnh viện Việt Đức chỉ bằng 1/5-1/3”, TS Giang khẳng định.

 

Theo thống kê mới đây của Viện Dinh dưỡng, tỉ lệ người thừa cân, béo phì ở VN đang tăng nhanh, nếu không được điều trị, những người này có thể sẽ mắc hàng loạt bệnh liên quan như thoái hóa khớp, tiểu đường, tim mạch, huyết áp...

 

“Nếu coi đây là phẫu thuật thẩm mỹ, chúng tôi có thể thu viện phí cao hơn”, TS Giang chia sẻ. Bệnh viện coi đây là phương pháp để chữa bệnh, chỉ định cho những người không thể áp dụng biện pháp khác để giảm béo hoặc béo phì đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thẩm mỹ.

 

Theo Lan Anh

Tuổi trẻ