Đang mang thai có được dùng thuốc trị giun xoắn?

(Dân trí) - Vợ chồng tôi đều ở Thanh Hóa và vợ cũng rất ưu thích ăn món nem chạo truyền thống ở quê. Vợ tôi hiện mang bầu 6 tháng, một tuần trở lại đây hay có biểu hiện đau bụng, đi ngoài rồi hết rồi lại tái lại.

Đọc trên Dân trí về tình trạng giun xoắn ở Mường Lát, tôi đang rất lo lắng không biết vợ mình có bị nhiễm loại giun này không? Biểu hiện nhiễm giun xoắn như thế nào? Nếu nhiễm thì việc điều trị có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Tạ Hùng (TP Thanh Hóa)

BS Nguyễn Thị Minh Hà, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới TƯ trả lời:

Để khẳng định vợ bạn có nhiễm giun hay giun xoắn hay không, qua mô tả của bạn thì không thể xác định được. Nhưng có một điểm cần lưu ý, vợ bạn hay ăn món nem chạo - đây là một món tái từ thịt lợn, nên hoàn toàn có khả năng nhiễm giun cũng như các ký sinh trùng khác từ thịt lợn chưa được chế biến chín.

Để xác định chính xác vì sao vợ bạn đau bụng, đi ngoài vài hôm rồi khỏi, rồi tái lại, tốt nhất bạn nên cho vợ đi khám. Khi thăm khám, thấy yếu tố nguy cơ bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xem vợ bạn có bị nhiễm giun hay loại kí sinh trùng nào khác hay không.

Còn điều bạn băn khoăn, vợ bạn đang mang thai 6 tháng, nếu nhiễm giun xoắn việc điều trị có ảnh hưởng cho thai nhi hay không? Tôi xin trả lời, nếu trong trường hợp xác định vợ bạn bị nhiễm giun xoắn thì chắc chắn phải điều trị. Và loại thuốc diệt giun xoắn chỉ chống chỉ định cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, sau 3 tháng hoàn toàn có thể dùng thuốc.

Không chỉ giun xoắn mà với giun, ký sinh trùng khác, dù đang mang thai nhưng tùy tình trạng nhiễm giun của mỗi người mà bác sĩ cân nhắc lợi - hại để dùng thuốc trị giun. Vì thế, bạn nên đưa vợ đi khám để được chẩn đoán và điều trị (nếu nhiễm giun).

Biểu hiện lâm sàng của bệnh giun xoắn gồm: Đau cơ, sốt tăng dần, sốt rất cao, tiêu chảy, nổi mày đay… Đối với trường hợp bệnh nặng, có thể xảy ra một số biến chứng vào tuần thứ 3- 4 như: Viêm cơ tim, viêm phổi, viêm não, làm bệnh nhân có thể tử vong. Tùy theo mức độ nhiễm, tỷ lệ tử vong khoảng từ 6-30%.

Tú Anh (ghi)