Dân quay lưng với đông y

Chưa hết 3 tháng đầu năm, Sở Y tế TPHCM đã ban hành hàng loạt công văn gửi cơ quan chức năng, nhà thuốc đề nghị thu hồi nhiều sản phẩm thuốc đông y đang lưu hành trên thị trường.

 

Dân quay lưng với đông y

Nguy cơ do dùng thuốc đông y không chỉ đến từ những loại thuốc không nhãn mác

 
Các sản phẩm bị thu hồi chủ yếu do bị nhiễm khuẩn, trộn tân dược, vi phạm chỉ tiêu độ ẩm, hòa tan... Thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, kiểm tra 20.000 mẫu thuốc trong nước thì thuốc đông y giả, kém chất lượng chiếm tỉ lệ 10%.

 

Thu hồi hàng loạt sản phẩm đông y

 

Ngày 25/3, Sở Y tế TPHCM đã gửi văn bản đến các cơ sở y tế trên địa bàn TP về việc đình chỉ lưu hành thuốc hoàn mềm Bảo hoàn Cao Nghĩa Đường. Thuốc do cơ sở y học cổ truyền (YHCT) Cao Nghĩa Đường sản xuất, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ ẩm. Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM cũng nhận được văn bản từ Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng về việc cơ sở sản xuất thuốc YHCT Thủy Xương (Bình Chánh, TPHCM) sản xuất thuốc hoàn cứng Linh chi thiên ma thấu cốt hoàn không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ nhiễm khuẩn.

 

Trước đó, Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị thu hồi thuốc phong tê cốt thống thủy, chai 280ml của cơ sở y học cổ truyền An Tiên sản xuất.

 

Trong tháng 2/2012, Sở Y tế TPHCM đã đình chỉ và thu hồi một số lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đó là thuốc hoàn cứng Độc hoạt ký sinh hoàn do cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền Phước Sanh sản xuất. Thuốc hoàn cứng Thạch Lâm Thông do Cty Lâm Vĩnh Sanh sản xuất. Thuốc hoàn cứng Hoa Việt vị quản thông do cơ sở YHCT Hoa Việt sản xuất. Ngoài ra, một số loại thuốc đông y khác cũng bị thu hồi là:  Thuốc hoàn cứng Độc hoạt ký sinh hoàn, vạn an tỉ viêm thanh, thấp khớp tê bại đơn, nhức khớp hoàn, mát gan giải độc hoàn, kim nguyên tán sỏi hoàn...

 

Không siết chặt, người dân sẽ quay lưng

 

Hàng loạt thuốc đông y bị thu hồi gần đây cho thấy, quy định về việc sản xuất các loại thuốc đông y còn quá lỏng lẻo. Theo quy trình, chất lượng sản phẩm do cơ sở tự sản xuất đem công bố hoặc DN tự đem kết quả kiểm nghiệm để đăng ký cấp số với cơ quan quản lý. Chính vì “cửa gác” không chặt nên các cơ sở sản xuất tung hoành và cho ra thị trường thuốc kém chất lượng để bán cho người bệnh. Điều này đã dẫn đến hệ quả là các cơ sở đang tự giết mình khi người bệnh mất niềm tin.

 

Tại Hội nghị dược liệu toàn quốc lần thứ hai, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã công bố, trên thị trường dược liệu hiện nay, 90% số thuốc y học cổ truyền đang lưu hành nhập lậu, chủ yếu từ Trung Quốc, Campuchia...” và cũng có không ít loại là thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tỉ lệ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng chủ yếu là thuốc đông dược và dược liệu bị nhiễm khuẩn, ẩm mốc.

 

Để giải quyết tình trạng trên, theo thông tư mới của Bộ Y tế, kể từ ngày 1/1/2014, các cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu phải đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP-WHO) mới đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Quy định là thế, tuy nhiên, việc thực hiện GMP đối với các cơ sở trên cũng không dễ.

 

Chỉ tính riêng tại TPHCM hiện có 385 nhà thuốc YHCT và 100 cơ sở sản xuất thuốc YHCT. Số người sử dụng thuốc YHCT trong điều trị bệnh không nhỏ. Nếu siết chặt và làm căng buộc các cơ sở xây dựng GMP vô tình có thể giết chết ngành sản xuất đông dược. BS Trương Thìn, Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, cho rằng, thuốc đông dược không chỉ điều trị bệnh mà còn là một nét văn hóa cần được bảo tồn. Bởi nó đã tồn tại cả ngàn năm với rất nhiều phương thuốc bí truyền. Trong điều kiện hiện nay đòi hỏi phải nâng cao chất lượng sản xuất, không thể đánh cược với sức khỏe của người dân nhưng vì những tồn tại lịch sử trước đây đòi hỏi phải có lộ trình phù hợp trong quá trình thực hiện.

 

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, nếu cứ “nuông chiều” các cơ sở YHCT và buông lỏng quản lý thì chắc chắn sẽ tiếp tục điệp khúc thu hồi các loại thuốc đông y kém chất lượng. Điều quan trọng hơn nữa đó chính là người bệnh dần mất niềm tin và quay lưng với các loại thuốc đông y.

 

Theo Võ Tuấn

Lao động