Đắk Lắk: Số ca sốt xuất huyết tăng gấp đôi so với cùng kỳ

(Dân trí) - Ngày 26/6, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận hơn 800 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 100% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2012.

M
Một ca SXH đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, số ca SXH tại Đắk Lắk hiện được ghi nhận nhiều nhất là ở huyện Buôn Đôn với hơn 300 ca; tiếp theo là ở huyện Ea Kar với hơn 200 ca; trong khi đó ở huyện Cư M’gar chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua, cơ quan chức năng đã ghi nhận hơn 20 trường hợp SXH.

Trao đổi với PV Dân trí, bác sỹ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết, SXH năm nay tại Đắk Lắk xuất hiện khá sớm, từ cuối tháng 3 huyện Buôn Đôn là địa phương xuất hiện ca SXH đầu tiên trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này. Sau huyện Buôn Đôn, đến giữa tháng 5 thì huyện Ea Kar ghi nhận ca SXH đầu tiên, rồi SXH cũng ghi nhận ở một số huyện, thị xã, thành phố khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Bác sỹ Phạm Văn Lào cũng cho biết, tính từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận hơn 800 ca SXH, so với 6 tháng đầu năm 2012, số ca SXH trong 6 tháng đầu năm 2013 tăng hơn 100%. Tuy vậy đến thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk chưa có trường hợp nào tử vong do SXH. Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk - Phạm Văn Lào cảnh báo, SXH sẽ còn diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk trong thời gian tới, do vậy cần tăng cường các biện pháp phòng chống SXH một cách tích cực.

Theo bác sỹ Phạm Văn Lào, SXH tăng đột biến tại Đắk Lắk trong thời gian qua một phần là do tâm lý còn chủ quan, lơ là của người dân. Bác sỹ Lào nêu dẫn chứng là trong một cuộc kiểm tra mới đây cho thấy có khoảng 70% các dụng cụ có chứa nước, đồ phế thải… xung quanh nhà dân có lăng quăng (bọ gậy) sinh sống, đây là tiền đề cho muỗi phát triển sau này.

Do vậy theo bác sỹ Lào, để phòng chống SXH, bên cạnh việc phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, người dân cần dọn dẹp, vệ sinh các dụng cụ có chứa nước xung quanh nhà như: lốp xe chứa nước; lu vại, chén bát, sành sứ bị vỡ nhưng còn nước; các vỏ gáo dừa có chứa nước; các đồ phế thải đọng nước; các bể chứa nước mưa; lọ hoa trong gia đình cần được thay nước thường xuyên để diệt lăng quăng…

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế SXH đang lây lan dữ dội tại Đắk Lắk hiện nay, bác sỹ Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, ngành y tế tỉnh này đã thành lập các Ban chỉ đạo phòng chống SXH ở cấp tỉnh, huyện, xã; riêng ở thôn, buôn thành lập các tổ diệt lăng quăng. Mặt khác đã chuẩn bị thuốc men, trang thiết bị phòng chống SXH và cử cán bộ y tế xuống tận các “điểm nóng” ở các địa phương có SXH để chỉ đạo kỹ thuật phòng chống SXH.

Song song với đó, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các cấp chính quyền tăng cường công tác truyền thông phòng chống SXH đến từng hộ gia đình, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống SXH đang diễn biến ngày một phức tạp.

Viết Hảo