Đà Nẵng: Không loại trừ nguy cơ có ca nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên

(Dân trí) - Sáng 12/4, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng tổ chức tập huấn phòng chống cúm A/H7N9 theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho cán bộ, nhân viên y tế dự phòng ở các tuyến cơ sở.

Đà Nẵng khẩn trương tổ chức tập huấn phòng chống cúm A/H7N9 cho cán bộ, nhân viên y tế dự phòng
Đà Nẵng khẩn trương tổ chức tập huấn phòng chống cúm A/H7N9 cho cán bộ, nhân viên y tế dự phòng

Tại buổi tập huấn, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Trung bình mỗi tuần có 20 chuyến bay trực tiếp Trung Quốc - Đà Nẵng với 2.000 - 2.500 hành khách. Ngoài ra, mỗi tuần còn có 1-2 chuyền tàu biển từ Trung Quốc đến Đà Nẵng. Trong các dịp lễ hội sắp tới, sẽ có rất đông du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến Đà Nẵng. Không loại trừ nguy cơ Đà Nẵng có ca nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên của cả nước.

Bên cạnh đó, tình hình dịch cúm A/H5N1 cũng đang diễn biến phức tạp khi mới đây có một trường hợp bệnh nhi ở Đồng Tháp  tử vong, xác định do nhiễm cúm A/H5N1. Bệnh nhi này khi nhập viện tuyến dưới được yêu cầu chuyển lên tuyến trên thì gia đình không đồng ý, 2 ngày sau thì bệnh nhi tử vong.

Khâu y tế dự phòng là rất quan trọng. Do đó, cán bộ, nhân viên y tế dự phòng các cấp trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay phải xác định tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch, không để sót một trường hợp nghi ngờ nào.

Về tình hình dịch cúm A/H7N9, thông tin mới nhất đưa ra tại buổi tập huấn, đến ngày 11/4, đã xác định 33 ca nhiễm cúm A/H7N9 tại 5 tỉnh, thành ở Trung Quốc, trong đó, có 9 ca tử vong. Hiện chưa xác định nguồn lây, và phương thức lây, song xác định đây là gen cúm A/H7N9 là từ gia cầm, tập trung ở các loài chim di trú và gia cầm nuôi.

Các cán bộ, nhân viên y tế dự phòng tham gia buổi tập huấn đã được hướng dẫn giám sát, xử lý và kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm cúm A/H7N9 theo hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế vừa ban hành.

Đặc biệt, khuyến cáo cộng đồng phòng chống dịch bệnh. Theo đó, khuyến cáo mọi người thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần báo ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời; người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế ở địa phương để được theo dõi.

 Khánh Hiền