Đà Nẵng: Cả năm chỉ có 2 vụ ngộ độc

(Dân trí) - Tổng kết năm 2012, cả Đà Nẵng chỉ có 2 vụ ngộ độc và đều dưới 30 người mắc mỗi vụ. Thông tin được cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý Nhà nước của Đà Nẵng về vệ sinh an toàn thực phẩm chiều 31/1.

Hội nghị vừa diễn ra chiều 31/1
Hội nghị vừa diễn ra chiều 31/1

Theo Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tại Đà Nẵng, vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất trên địa bàn TP được ghi nhận là vụ gần 30 người bị ngộ độc do ăn bánh mỳ tại cơ sở bán bánh mỳ Đồng Tiến ở P. Hòa Cường Nam (Q. Hải Châu), xảy ra hồi cuối tháng 11/2012. Nguyên nhân nghi do nhiễm vi sinh vật trong nhân bánh mỳ kẹp thịt chả.
 
Vụ còn lại là trường hợp 4 người cùng bị ngộ độc thực phẩm tại KS Sandy Beach (Q. Ngũ Hàng Sơn) hồi tháng 6/2012. Nguyên nhân do nhiễm tụ cầu vàng trong sợi phở và cơm chiên.
 
Cũng tại Hội nghị, ngành Y tế Đà Nẵng cho biết: trong năm vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt hơn 700 cơ sở vi phạm ATVSTP, chiếm tỷ lệ gần 11% so với tổng số cơ sở được thanh, kiểm tra (6.576 cơ sở). Trong đó, có gần 500 cơ sở vi phạm ATVSTP do yếu tố con người (không đảm bảo các điều kiện quy định ATVSTP).

Hình thức lý vi phạm chủ yếu vẫn là cảnh cáo. Chỉ có khoảng 100 cơ sở vi phạm bị xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 150 triệu đồng. So với năm 2011, thì số cơ sở vi phạm có giảm, nhưng giảm không đáng kể.

Theo kết quả thanh, kiểm tra của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong năm 2012, lực lượng chức năng của ngành này đã phát hiện và xử phạt 43 trường hợp vi phạm ATVSTP.

Đã có gần 30 người bị ngộ độc do ăn bánh mỳ nghi có nhiễm vi sinh vật trong nhân (ảnh minh họa)
Đã có gần 30 người bị ngộ độc do ăn bánh mỳ nghi có nhiễm vi sinh vật trong nhân (ảnh minh họa)

Trong đó, các sự cố “nổi” nhất được điểm lại tại Hội nghị là vụ các lực lượng chức năng phát hiện, tịch thu và buộc thiêu hủy hơn 6,6 tấn nội tạng gia súc và 700kg cá nóc; buộc công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam tại Đà Nẵng - Chi nhánh 2 chuyển trả 12 loại thuốc thú y, hóa chất, vắc xin có nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt kèm theo (thuốc nhập khẩu) để khắc phục vi phạm. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn xử lý di dời 11 hộ sơ chế, chế biến chả cá không đảm bảo ATVSTP ra khỏi chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang…

Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) cho biết thêm, qua các đợt phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành tổ chức thanh, kiểm tra vào các dịp cao điểm như Tết nguyên đán, trước và sau lễ 30/4-1/5, Tết Trung thu…, đã phát hiện và xử lý vi phạm đối với khoảng 160 cơ sở vi phạm. Hình thức xử lý là cảnh cáo, tịch thu tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng, và phạt tiền, với tổng số tiền phạt hơn 40 triệu đồng.

 Khánh Hiền