Đã có cách điều trị dứt điểm đái tháo đường?

(Dân trí) - Hơn 6.000 ca ghép tụy trên thế giới là minh chứng cho thấy tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường tuýp 2 là rất cao. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phương pháp này, PV báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhóm chuyên gia y tế về đái tháo đường (ĐTĐ).

Nhóm chuyên gia gồm: ông Paul Jimmec, Viện trưởng Viện ĐTĐ Quốc tế; ông Clive Cookcram, nguyên Phó chủ tịch liên đoàn ĐTĐ thế giới và bác sỹ Nguyễn Quang Bảy, Ủy viên BCH Hội Nội tiết - ĐTĐ Việt Nam.

 

Được biết, trên thế giới đang áp dụng phương pháp ghép tụy để điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ. Xin các ông cho biết rõ hơn về phương pháp này?

 

Nhóm chuyên gia: Liên quan đến vấn đề ghép tụy có hai phương pháp. Thứ nhất là có thể ghép toàn bộ tụy và hai là có thể cấy ghép một phần, tức là các tiểu đảo (tiểu đảo chính là đơn vị sản xuất ra issulin nằm rải rác trong tụy, nói một cách hình ảnh thì nó giống như các đảo ngoài biển).

 

Hiện nay trên thế giới đã có hơn 6.000 ca ghép tụy và thông thường người ta tiến hành cả ghép tụy và ghép thận. Phần lớn những bệnh nhân ghép tụy được chỉ định cho những người có những biến chứng rất nặng, ví dụ như ngoài ĐTĐ còn bị suy thận nữa. Vì vậy, đây được gọi là cuộc đại phẫu và tỷ lệ thành công khá cao.

 

Vì sao người ta lại chờ đến khi suy thận mới ghép tụy? Đối với những người có nhu cầu ghép tụy trong khi chưa có biến chứng về thận thì như thế nào?

 

Nhóm chuyên gia: Khi bệnh nhân ĐTĐ có nhiều biến chứng nặng, chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng sẽ buộc phải ghép tụy. Ghép tụy nhưng nếu thận đã suy rồi thì bắt buộc phải ghép thận luôn. Tuy nhiên, không nhất thiết phải chờ đến khi hỏng thận mới ghép cả tụy và thận. Những trường hợp chưa hỏng thận nhưng vẫn có thực hiện ghép tụy riêng được.

 

Ghép tụy hay cấy tụy? Cần được hiểu thế nào cho chính xác?

 

Nhóm chuyên gia: Thực ra trên thế giới người ta chỉ có một từ duy nhất là “ghép”. Nhưng ở Việt Nam, ghép tụy được hiểu là ghép cả tụy. Còn cấy tụy nghĩa là chỉ lấy một phần tiểu đảo được bơm luồn qua các đường tĩnh mạch vào gan và nó sẽ ký sinh vào một cơ quan nào, rồi từ đó sản xuất ra issulin.

 

Vậy ghép tụy hay là cấy tụy thì tốt?

 

Nhóm chuyên gia: Nếu ghép tụy thì thời gian phẫu thuật sẽ kéo dài khoảng 8 - 10 tiếng, còn nếu cấy tụy thì đơn giản hơn, nhanh hơn. Nhưng cấy tụy thường có một nhược điểm là khó ước chừng được bao nhiêu tế bào tiểu đảo là đủ. Vì nếu lấy ít thì người nhận có thể vẫn không tự sản xuất ra issulin, còn nếu lấy nhiều thì có thể khiến người hiến tặng bị mắc bệnh ĐTĐ.

 

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có phải uống thuốc hay tiêm issulin nữa không?

 

Nhóm chuyên gia: Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không phải tiêm hay uống thuốc nhưng phải dùng thuốc chống thải ghép như những ca ghép gan, ghép thận. Tụy có thể được lấy từ người sống và có đủ các yếu tố hòa hợp giữa người cho với người nhận, mà không nhất thiết phải là họ hàng.

 

Liệu Việt Nam có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tụy không?

 

Nhóm chuyên gia: Ghép tụy liên quan đến kỹ thuật ghép tiểu đảo và hiện nay Việt Nam chưa thực hiện được. Vì nếu ghép tiểu đảo, các bác sỹ Việt Nam sẽ phải đối mặt với hiện tượng loại thải mảnh ghép mà bệnh nhân thường phải dùng liệu pháp rất mạnh để ức chế miễn dịch giữ cho tụy ghép hoạt động được. Còn trên thế giới, thì đa phần những nước phát triển đều có thể thực hiện được việc này.

 

Trong việc ghép này, yếu tố quan trọng để quyết định đến thành công đấy là làm sao cần phải có đủ các tiểu đảo, tức là lấy đủ phần tụy của người ghép, mà để thực hiện được kỹ thuật này thì chúng tôi nghĩ ở Việt Nam sẽ rất đắt. Vì vậy, việc có thể làm được chính là các bác sỹ của Việt Nam hãy gửi bệnh nhân tới các trung tâm ở nước ngoài.

 

Xin cho biết, chi phí cho ca phẫu thuật này ở nước ngoài khoảng bao nhiêu?

 

Nhóm chuyên gia: Chi phí cho một ca phẫu thuật ghép tụy cũng giống như những phẫu thuật ghép nội tạng khác, khá đắt, khoảng từ 1,5 -2 tỷ. Đối với những bệnh nhân ở Việt Nam, các bạn cũng có thể tìm hiểu thêm thông tin về ca ghép này ngay ở nước lân cận như Singapore, trong đó trung tâm Parkway được coi là có tiếng trong lĩnh vực này.

 

Xin cảm ơn các chuyên gia!

 

Lan Hương