Đã có 21 bệnh nhân tả ở Bến Tre

(Dân trí) - Các trường hợp tiêu chảy cấp tại Bến Tre hầu hết đều có tiền sử uống nước đá không rõ nguồn gốc, sử dụng nước lấy từ sông, kênh, rạch gần nhà chưa qua xử lý để phục vụ sinh hoạt; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh.

Theo báo cáo từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Y tế dự phòng Bến Tre, từ ngày 09/5/2010 đến ngày 03/6/2010, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã ghi nhận 21 bệnh nhân tiêu chảy cấp và đều dương tính với phẩy khuẩn tả. Bệnh nhân tập trung ở ba huyện là huyện Mỏ Cày, Mỏ Cày Bắc và huyện Giồng Trôm.

Sau khi sử dụng nước đá, thực phẩm không rõ nguồn gốc, nước kênh rạch làm nước sinh hoạt... các trường hợp trên đều có biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, kèm nôn. Ngay sau khi nhập viện, các bệnh nhân đã được điều trị theo phác đồ cho bệnh nhân tả và lấy mẫu phân xét nghiệm.

Trước tình hình dịch tả tại Bến Tre, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh Y tế công cộng thành lập các Đoàn công tác hỗ trợ, đồng thời trực tiếp xuống chỉ đạo, hỗ trợ địa phương công tác phòng chống bệnh tả. Đồng thời chỉ đạo Sở Y tế Bến Tre tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lan rộng ra cộng đồng.

Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống nước đã đun sôi, không uống nước lã. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tuyệt đối không sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc; không sử dụng nước ao, sông, kênh/rạch... nghi ngờ nhiễm bẩn để phục vụ cho sinh hoạt (tắm, giặt, rửa chén bát...).

Vì sức khỏe cộng đồng, người dân cần có ý thức bảo vệ nguồn nước ăn, uống, sinh hoạt. Không đổ chất thải, nước giặt/rửa đồ dùng của người mắc bệnh tiêu chảy xuống ao, hồ, sông... và các nguồn nước công cộng khác. Người dân cũng không nên tổ chức ăn uống đông người trong vùng có dịch.

Hồng Hải