Thừa Thiên Huế:

Cứu sống bệnh nhân sốt rét ác tính thể não

(Dân trí) - Bệnh nhân nam Đặng Sơn M. 27 tuổi (cư trú tại xã A Đớt, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị sốt rét ác tính thể não kết hợp hội chứng phủ tạng được Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận và cứu sống sau hơn nửa tháng điều trị.

Bệnh nhân này sống trong vùng sốt rét lưu hành nặng ở một xã biên giới giáp ranh với Lào, mặc dù làm ruộng nhưng đã có các hoạt động đi rừng, đào đãi vàng...

 

Khởi bệnh ở nhà 5 ngày với cơn sốt, có rét run; triệu chứng rét run và sốt xảy ra 3 - 4 cơn mỗi ngày. Bệnh nhân đã uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không khỏi, bị lên cơn co giật nên người nhà đưa đến Bệnh viện huyện A Lưới. Tại đây đã xét nghiệm phát hiện bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum dương tính với mật độ ++, được chẩn đoán sốt rét ác tính trong tình trạng nặng nên tiến hành hồi sức cấp cứu và chuyển ngay về Bệnh viện TƯ Huế ngày 15/8/2012.

 

Tại Khoa Cấp cứu hồi sức, BV TƯ Huế, bệnh nhân được chẩn đoán sốt rét ác tính, tiên lượng nặng với các triệu chứng như sốt cao 39,5oC, mạch 90 lần/phút, huyết áp 120/80mmHg, nhịp thở 28 lần/phút; có tình trạng lơ mơ, co giật, da vàng nhẹ, kết mạc mắt vàng; cho đi tiểu qua ống xông ghi nhận có 200 ml nước tiểu/1giờ màu đỏ sẫm; Glawgow 11 điểm, đồng tử khoảng 2mm đều cả hai mắt... Đồng thời bệnh nhân cũng được cho thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng khác phát hiện tiểu cầu giảm nhiều, dùng test chẩn đoán nhanh xác định Plasmodium falciparun dương tính, siêu âm thấy gan lớn...

 

Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng đã xác định bệnh nhân có các hội chứng nhiễm trùng như sốt cao, ký sinh trùng Plasmodium falciparum (++); hội chứng vàng da như da vàng, kết mạc mắt vàng; hội chứng đi tiểu ra máu với nước tiểu màu đỏ sẫm, trong nước tiểu có hồng cầu (+++)... Người bệnh được hồi sức tích cực với các loại dịch chuyền, thuốc cấp cứu, hạ sốt, kháng sinh, thuốc điều trị đặc hiệu sốt rét Artesunat tiêm. Sau 5 ngày điều trị tại Khoa Cấp cứu hồi sức, bệnh nhân đã hết sốt, tinh thần tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tình trạng huyết động ổn định nên ngày 20/8/2012 người bệnh được chuyển sang Khoa Truyền nhiễm để được tiếp tục theo dõi và điều trị.

 

Tại Khoa Truyền nhiễm, bệnh nhân được theo dõi, điều trị nối tiếp và diễn biến lâm sàng tiến triển tốt. Người bệnh được xác định đã đỡ và bệnh ổn định nên cho xuất viện vào ngày 25/8/2012 sau 10 ngày nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế, trong đó có 5 ngày ở Khoa Cấp cứu hồi sức và 5 ngày tại Khoa Truyền nhiễm.

 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh