Cứu sống bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp

Ngày 9/11, BS Nguyễn Trung Cấp, phó trưởng khoa điều trị tích cực và hồi sức cấp cứu (bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ - Hà Nội) cho biết, viện đang điều trị cho bệnh nhân N.Đ.Th., nhiễm khuẩn Listeria monocitogenes, nhập viện trong tình trạng hôn mê.

Bệnh nhân Th. mắc bệnh da liễu mãn tính nên hệ miễn dịch bị suy giảm, vi khuẩn Listeria monocitogenes tấn công trực tiếp vào não gây viêm màng não mủ. Sử dụng cùng lúc nhiều loại kháng sinh để điều trị, các bác sĩ tiên lượng có thể cứu sống được bệnh nhân Th. nhưng sẽ mất nhiều thời gian.

 

Đây là bệnh hiếm gặp, mỗi năm bệnh viện này chỉ tiếp nhận 3 - 4 ca. Vi khuẩn Listeria monocitogenes thường tấn công thai phụ, trẻ em, người già và người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, mắc bệnh mãn tính. Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn này thường được phát hiện khi bệnh đã nặng. Vi khuẩn Listeria monocitogenes cũng có thể xâm nhập qua thực phẩm.
 
Thông thường sau hai ngày đến một tháng từ khi nhiễm khuẩn, bệnh xuất hiện với triệu chứng mệt mỏi, đau nhức như cảm cúm thông thường. Bệnh nhân cũng có thể bị buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đôi khi chóng mặt. Sau khi mắc vi khuẩn Listeria monocitogenes, bệnh nhân vẫn có khả năng mắc lại.

 

Theo Lệ Hà

Sài Gòn tiếp thị