Bệnh viện Trung ương Huế:

Cứu sống bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc gây tê

(Dân trí) - Chiều 13/10, GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết đơn vị vừa cấp cứu thành công, phục hồi hoàn toàn 1 trường hợp ngưng tuần hoàn hô hấp do sốc phản vệ với thuốc gây tê Lidocain.

Lúc 17h55’ ngày 29/9, ông Hồ Đắc Thảo (64 tuổi, quê ở xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên -Huế) vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế do tai nạn giao thông. Bệnh nhân được chẩn đoán đa chấn thương. Đầu gối, trán, gò má phải bị sưng nề và xây xát, chảy máu mũi, khớp hàm phải biến dạng, xương hàm trên bị gãy. Bệnh nhân tỉnh táo tiếp xúc tốt, huyết động ổn định, không khó thở (mạch 80 lần/phút, huyết áp 120/80 mmHg, nhịp thở 20 lần/phút, SpO2 (độ bão hòa oxy) là 100%).

Sau khi xử lý các vết thương, nhét gạc cầm máu mũi, truyền Paracetamol giảm đau và dung dịch nước muối sinh lý để giữ đường truyền, Khoa Cấp cứu mời Khoa Răng - Hàm - Mặt hội chẩn để khâu vết thương và cố định xương hàm.

Lúc 18h20’ cùng ngày, sau khi phẫu thuật viên tiêm thuốc tê lidocain tại vết thương vùng mặt để khâu, bệnh nhân biểu hiện tức ngực, môi tím, co thắt thanh quản, âm phổi không nghe được, miệng và toàn thân đều bị co cứng, mạch và huyết áp không đo được, mặt tím tái.

Kíp trực cấp cứu đã phát hiện và tiến hành hồi sức tim phổi sớm, đặt mask thanh quản, sốc điện 2 lần với 360J, dùng hơn 40 ống adrenalin, thuốc chống rối loạn nhịp, điều chỉnh cân bằng kiềm toan và thở máy.

Sau gần 2 giờ điều trị cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp, bệnh nhân Thảo được hồi sức tim phổi thành công, chức năng sống ổn định và làm các xét nghiệm cần thiết (CT scan sọ não, siêu âm bụng, XQ phổi, khí máu, điện giải đồ, men tim, chức năng thận...)

Bệnh nhân được thở máy và chuyển vào Khoa Hồi sức Cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu lúc 20h15’. Lúc 23h, bệnh nhân đã cử động chân tay, đồng tử co nhỏ. Sáng hôm sau bệnh nhân đã tỉnh nhưng vẫn được thở máy điều trị tiếp.

Sau 3 ngày điều trị thở máy tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, tự thở, phục hồi hoàn toàn và đặc biệt là không để lại di chứng. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Răng - Hàm - Mặt.

Bệnh nhân Thảo được cứu sống sau khi bị sốc phản vệ với thuốc gây tê Lidocain
Bệnh nhân Thảo được cứu sống sau khi bị sốc phản vệ với thuốc gây tê Lidocain

Theo GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân Thảo được cứu sống ngoạn mục trước hết là nhờ sự phản ứng nhanh kịp thời của các bác sĩ cấp cứu có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm; đồng thời có đầy đủ trang thiết bị hiện đại sẵn sàng và đã tranh thủ thời gian vàng cấp cứu ban đầu, cứu sống bệnh nhân. Kíp trực cấp cứu đã phát hiện và cấp cứu hồi sức tim phổi sớm, khoa Hồi sức Cấp cứu đã điều trị tốt cho bệnh nhân. Sự phối hợp nhịp nhàng, tích cực giữa các khoa trong bệnh viện đã mang lại sự sống cho bệnh nhân.

Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng rất dễ gây tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời. Đặc biệt sốc phản vệ với thuốc gây tê Lidocain thường hiếm xảy ra, khi xảy ra rất nặng, tỷ lệ tử vong cao để lại di chứng nặng nề. Gần đây báo chí đã đề cập trường hợp sốc phản vệ do lidocain dẫn đến tử vong và tổn thương não không hồi phục tại các bệnh viện khác trong và ngoài nước. Như vào tháng 5/2015 với vụ bệnh nhân tử vong sau khi gây tê tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng vì sốc phản vệ; tháng 11/2012 với vụ bệnh nhân chết lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cũng do sốc phản vệ…

Đại Dương