Cụt chi do biến chứng của tiểu đường

(Dân trí) - “Biến chứng bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường có thể dẫn tới hậu quả nguy hiểm như loét bàn chân hay phải cắt cụt chi” - BS Đặng Thị Mai Trang, Bệnh viện Nội tiết cho biết.

Nguyên nhân gây nên những biến chứng ở bàn chân

 

Hàng ngày, bàn chân phải chịu một khối lượng lớn trọng lực của toàn bộ cơ thể, vì thế có rất nhiều nguyên nhân gây nên các biến chứng ở bàn chân. Các nguyên nhân này thường phối hợp với nhau làm cho tình trạng bệnh càng trở nên trầm trọng hơn. Nguyên nhân phổ biến nhất là do bệnh thần kinh ngoại vi, bệnh mạch máu ngoại vi và nhiễm trùng gây nên.

 

Bệnh thần kinh ngoại vi

 

Đường huyết cao làm huỷ hoại lớp áo ngoài của các dây thần kinh, là nơi tiếp nhận cảm giác, vì thế người bệnh có thể không cảm thấy đau, nóng hay lạnh ở bàn chân và cẳng chân của mình. Họ có thể dẫm phải đinh hay các vật sắc nhọn, có thể bị bỏng mà không hề biết, đó là hiện tượng “mất các cảm giác bảo vệ”. Chỉ một vết thương dù nhỏ cũng có thể bị loét rộng ra và gây hoại tử

 

Các biểu hiện sớm thường gặp ở bệnh này như cảm giác lạnh ở hai chân, ngứa hoặc tê bì ; bứt rứt khó chịu, nóng ran ở hai bàn chân.

 

Bệnh mạch máu ngoại vi

 

Thường xảy ra ở các mạch máu nhỏ và hẹp, làm giảm dòng máu tới chân. Việc kém máu nuôi làm cho da trở nên khô, nứt nẻ, dễ bị loét và nhiễm trùng.

 

Các biểu hiện lâm sàng thường khó nhận biết như thay đổi màu sắc da, lạnh hoặc tê bì hai chân, đau chân lúc nghỉ ngơi...

 

Nguy hiểm hơn, nếu tổn thương mạch máu ngoại vi phối hợp với bệnh thần kinh ngoại vi sẽ làm vết thương khó liền sẹo. Mặt khác, đường huyết cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm giảm sức đề kháng của cơ thể . Vì thế vết thương có thể bị loét, nhiễm khuẩn, có thể tiến triển thành hoại.Để ngăn chặn sự hoại tử ăn sang các khu vực khác chỉ còn cách cắt bỏ phần bị hoại tử.

 

Nhận biết biến chứng bàn chân như thế nào?

 

Bạn hoàn toàn có thể tự kiểm tra dựa theo các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến loét bàn chân là:

 

- Nam giới

- Mắc bệnh tiểu đường trên 10 năm hoặc tuổi trên 60

- Kiểm soát đường huyết kém

- Có biến dạng bàn chân: chai chân, phỏng rộp da chân…

- Đã từng bị loét bàn chân hoặc từng bị cắt cụt chân do loét

- Có các biểu hiện của tổn thương thần kinh ngoại vi và/hoặc tổn thương mạch máu ngoại vi

- Giảm thị lực

- Có biến chứng thận

- Đi giày dép không phù hợp với bàn chân

 

Theo thống kê có đến gần 60% người bị cắt chi dưới là bệnh nhân đái tháo đường. 85% những trường hợp trên là do bệnh nhân bị loét chân. Cứ 5 bệnh nhân bị loét chân thì có 4 người bị chấn thương do tác động từ bên ngoài: va quẹt, vấp ngã bị trầy xước. Và tỷ lệ tử bị loét dẫn đến hoạ tử là rất lớn.

 

Do đó, để hạn chế tối đa hậu quả viêm loét chân người bệnh đái tháo đường nên quan tâm chăm sóc bàn chân mỗi ngày.

 

Hồng Hải