Cuộc chiến với khói bụi

Thời tiết đã vào hè, cái nắng oi ả kèm theo bụi đường là những ám ảnh khiến ai cũng rùng mình.

“Chủ nghĩa đào bới” lên ngôi (theo cách ví von của nhiều người) đã làm cho các con đường bị tổn thương. Mặt khác, cả nước đang là đại công trường với tốc độ đô thị hóa chóng mặt đang gây nên những cơn “bão bụi” đường, cát xây dựng các công trìnhvà khói động cơ hoành hành.

Khắp nơi đều… bụi

Thời tiết đã vào hè, cái nắng oi ả kèm theo bụi đường là những ám ảnh khiến ai cũng rùng mình. Những chiếc xe tải, xe buýt đi qua là cả một đám khói bụi bu theo người đi đường. Đại công trường Hà Nội đang ngày một leo thang với muôn vàn khổ ải của bụi. Nhiều con đường đã trở thành cơn ác mộng của người dân xung quanh và khách qua đường.

Sự thật ở Hà Nội nhiều con đường đang bị đội sửa sang ống nước, đường điện, vỉa hè… đào bới rất vô tư. Cơn bão bụi diễn ra tàn khốc nhất trên các phố Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu. Đường 32,… ban ngày cũng như đêm người dân sống và qua đường khốn khổ vì bụi. Dọc theo tuyến đường Khuất Duy Tiến, Hồ Tùng Mậu, Tôn Đức Thắng… tiếng ồn động cơ xe cộ, bụi đường đang bủa vây lấy người dân.

Những chiếc xe tải chở nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng gầm rú cả đêm ngày. Cát, đá rơi vãi khắp nơi đã tạo nên những luồng bụi ghê gớm. Mỗi khi những chuyến xe tải này chạy qua, người đi đường phải nín thở, hoặc phải bỏ một tay lái ra để che bụi khỏi “tấn công” vào mặt.
 
Cuộc chiến với khói bụi - 1
 
Cuộc chiến với khói bụi - 2

Chị Thủy, một tiểu thương bán đồ uống và tạp hóa trên đường Khuất Duy Tiến bức xúc cho biết: Nhiều chiếc xe chở vật liệu cát, đá, xi măng không được che chắn cẩn thận gặp đường mấp mô rơi vãi tứ tung trên đường. Cứ thế xe cộ nối đuôi nhau đẩy bụi tung bay mù mịt cả khu phố. Công việc bán hàng cũng vì thế bị ảnh hưởng; khói bụi phủ lên các mặt hàng mình trông còn chẳng dám nhìn nói gì đến người khác vào mua! Chị Thủy phân trần về việc chống đỡ với bụi: “Dù có che đậy thế nào chăng nữa cũng không thể lại được với những gì đang diễn ra trên đường nhiều tháng qua”.

Cùng hoàn cảnh tương tự, chị Liên đang kinh doanh trên đường 32 (Từ Liêm – Hà Nội) chua chát: “Ban ngày không dám mở hết cửa, bảnh mắt ra phải lau chùi bụi trên sàn nhà và bàn ghế. Tình trạng này không biết còn kéo dài đến khi nào, việc làm đường đang gây nên những khó khăn lớn về làm ăn và cả nỗi khổ về sức khỏe do phải sống chung với bụi khói. Hàng quán nước non chẳng dám bày bán, mà có bán cũng chẳng ai dám vào uống vì bụi cứ như “hất vào mặt”. Ở đây tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn không đáng có khi người đi xe máy phải bỏ tay che bụi khói không làm chủ được tay lái đã bị xô xát, ngã trầy xước hết cả người.

Phải chăng vì thế mà con đường này đã quá quen thuộc với những túi khẩu trang được bọc lót mấy lớp nilon để bán cho khách hàng. Khi lấy khẩu trang ra vẫn phải dùng tay phủi bụi kẻo khách hàng bỏ chạy!

Tình trạng trên không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, nơi nào cũng bị bão bụi tác oai tác quái và người dân đang phải gồng mình đối mặt với nó trong mùa “bão bụi” này.

Trẻ em không được ra…phố

Với bụi đường và khói xe cộ hiện tại nếu không đeo khẩu trang, sẽ bị những triệu trứng ho khạc tức ngực và không thể đảm bảo được sức khỏe. Khốn khổ nhất là trẻ em nơi đây mỗi khi ra phố đều được bọc lót cẩn thận từ đầu xuống chân.

Cuộc chiến với khói bụi - 3

Hơn một năm nay, con đường 32 được tiến hành mở rộng, sẽ cộ qua lại đông đúc. Đất cát bụi mù mịt khi thời tiết khô ráo đã hoành hành người dân ở đây ngày một khốc liệt hơn. Cụ Bùi Xuân Mẫn (70 tuổi) có nhà ở gần tuyến đường trên cho biết: “Chưa bao giờ tôi thấy tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên tồi tệ như hiện nay, đặc biệt là ô nhiễm về khói và bụi. Hàng ngày khi các con và cháu đi làm về, tôi thấy chúng đặc quánh khói và bụi. Tình trạng này xảy ra từ sáng sớm cho đến tối khuya. Thật khổ cho các cháu nhỏ không được vui đùa như ở những nơi khác. Chúng bị mọi người ngăn cấm không cho ra khỏi cửa vị sợ bị các bệnh do khói bụi gây nên.”

Cảnh tượng nhốn nháo trên đường 32 diễn ra giữa người và xe cộ. Người dân nơi đây truyền nhau câu cửa miệng “con đường khổ ải”! Vì thế, trẻ em nơi đây luôn được chăm sóc một cách đặc biệt mỗi khi ra đường. Chúng được cha mẹ cẩn thận phủ khăn lên đầu, miệng bịt kín bằng những chiếc khẩu trang sợi hoạt tính Kissy và những chiếc áo ngoài thùng thình để tránh bụi khói trần ai.

(Kỳ 2: Sức khỏe đi về đâu?)

Minh Thứ