Cúm và hội chứng giả cúm

Thường mọi người có thói quen gọi là "cúm" khi thấy hiện tượng chảy nước mũi, nước mắt, ho..., trong khi thật ra họ chỉ đơn giản mắc chứng sổ mũi thông thường, lành tính.

Có tới 200 chủng vi rút gây sổ mũi, phổ biến nhất là rhinovirus. Mặc dù chứng sổ mũi cũng do vi rút gây ra nhưng cúm và sổ mũi vẫn là hai loại bệnh khác nhau.

 

Bệnh cúm rất dễ lây và thường phát sinh thành dịch. Vi rút cúm truyền qua động tác nói, ho, hắt hơi và kể cả ở các dụng cụ mà bệnh nhân sử dụng, vi rút cúm có thể sống sót nhiều giờ trên các vật dụng như tay nắm cửa ra vào, tai nghe điện thoại...

 

Biểu hiện lâm sàng của cúm khác biệt với triệu chứng cảm lạnh và các bệnh lý sổ mũi lành tính khác cũng do vi rút gây ra cho hệ hô hấp. Cũng cần nói thêm là thời tiết lạnh không phải là thủ phạm gây ra các bệnh do vi rút nói trên mà chỉ là yếu tố thuận lợi khiến bệnh phát triển và lây lan.

 

Các triệu chứng đặc hiệu của cúm thường xuất hiện đột ngột, không hề có dấu hiệu báo trước và nhanh chóng tạo nên một bệnh cảnh rất khó chịu, mệt mỏi đối với người bệnh. Bệnh nhân nhanh chóng phải nằm liệt giường do suy giảm thể lực.

 

Cường độ triệu chứng thường mạnh và có nguy cơ gây tử vong cao, đặc biệt ở một số đối tượng (trẻ sơ sinh, người già, người sẵn có bệnh mạn tính về tim mạch và hô hấp). Bệnh cúm có thể gây nguy hiểm nên bệnh nhân thuộc đối tượng này thường được khuyến cáo nhập viện và theo dõi điều trị.

 

Bệnh cúm thường kép dài khoảng một tuần lễ và giai đoạn hồi phục tiếp diễn từ một đến hai tuần. Không điều trị, bệnh có thể kéo dài đến cả tháng. Các biến chứng có thể gặp trong bệnh cúm là viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai, viêm xoang. Nguyên nhân thường do bội nhiễm vi khuẩn.

 

Ngược lại, các triệu chứng của hội chứng giả cúm thường chỉ có tính chất thoáng qua, lành tính và có cường độ trung bình, các rối loạn giới hạn trong vài ngày và tự hết, không cần qua điều trị.

 

Sự khác biệt giữa cúm và hội chứng giả cúm (cảm lạnh - sổ mũi) có thể sơ bộ phân biệt như sau: Khi sổ mũi, cảm lạnh thông thường (tức là hội chứng giả cúm), hiếm khi sốt hay đau đầu, chỉ đau mỏi toàn thân nhẹ, sự mệt mỏi, suy giảm thể lực thường nhẹ, không có sự mệt lả gần như kiệt sức, ho nhẹ hoặc vừa, ho húng hắng. thường viêm họng, hắt hơi, tắc mũi.

 

Còn khi cúm thực sự, người bệnh sẽ sốt cao (38 - 40oC), sốt kéo dài 3 - 4 ngày. Triệu chứng nổi trội khi cúm là đau đầu, đau mỏi toàn thân thường xuyên và cường độ mạnh, sự mệt mỏi, suy giảm thể lực có thể kéo dài trong 2 - 3 tuần lễ, triệu chứng mệt lả gần như kiệt sức xuất hiện sớm và nổi trội, thường ho, đôi khi viêm họng, hắt hơi tắc mũi.

 

Với bệnh cúm gà, sau một thời gian ủ bệnh (có thể kéo dài tới 7 ngày), bệnh sẽ có biểu hiện lâm sàng thoạt tiên gần giống như cúm mùa, tức là sốt cao trên 38oC kèm theo triệu chứng viêm họng, đau cơ và các rối loạn hô hấp như ho. Song tính đặc trưng của cúm gà là bệnh tiến triển nặng một cách rất nhanh chóng do các rối loạn hô hấp nặng: Suy hô hấp dẫn tới suy đồng thời nhiều phủ tạng khác của cơ thể. Tính chất diễn biến nặng với tốc độ nhanh chóng. Nếu trước đó bệnh nhân có tiếp xúc với gia cầm hoặc với bệnh nhân bị cúm gia cầm thì đó là dấu hiệu báo động đòi hỏi bệnh nhân cần được nhập viện ngay.

 

Theo BS Lê Quang Hồng

Sức khỏe & Đời sống