Cua lạ, sặc sỡ: Chớ dại mà ăn

(Dân trí) - Thỉnh thoảng, lại nghe thông tin đau lòng, không đáng có: chết người do ăn những hải sản như cá nóc, sam đặc biệt gần đây có những ca tử vong “lãng xẹt” chết do thử ăn những con cua biển lạ mắt, màu sặc sỡ. Bài viết cung cấp một số thông tin về các chất độc có trong cua “lạ”.…

Cua lạ, sặc sỡ: Chớ dại mà ăn - 1

Những cái chết thương tâm

Thỉnh thoảng, lại nghe thông tin đau lòng, không đáng có: chết người do ăn những hải sản như cá nóc, sam đặc biệt gần đây có những ca tử vong “lãng xẹt” chết do thử ăn những con cua biển lạ mắt, màu sặc sỡ.

Một vài trường hợp ngộ độc do ăn cua “lạ” được ghi nhận: Năm ngoái, một cháu bé 10 tuổi ở Quảng Trị tử vong do ăn cua đá biển bắt từ đảo Cồn Cỏ về.

Giữa năm 2015, một nhóm công nhân đã bắt cua mặt quỷ ở dọc bờ biển Lý Sơn, Quảng Ngãi về làm mồi nhậu, một giờ sau khi ăn, cả ba người có dấu hiệu tê cứng chân tay, khó thở, may mắn vì ăn ít và nhập viện kịp thời nên cuối cùng được cứu sống.

Chiều hôm qua, 18/4, ngư dân P.V.C 54 tuổi, Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng đã tử vong do ăn cua đá biển.

Cua mặt quỷ
Cua mặt quỷ

Chất độc chết người

Các khoa học gia đã phát hiện, trong một số loại cua biển, thường là loại cua lạ, màu sắc sặc sỡ, có thể chứa các độc tố chết người saxitonin và tetrodotoxin, độc tố thường ở trong thịt, trứng, nhiều nhất là thịt càng và chân cua. Đây là những độc tố ái thần kinh, tim mạch gây tử vong cao khi bị ngộ độc.

Saxitoxin được các tảo đỏ và vi khuẩn ký sinh trong đó tổng hợp ra. Khi những con sò, ốc, tôm ăn phải chúng sẽ nhiễm các chất độc saxitoxin này (saxitoxin, neosaxitoxin, gonyautoxin và carbamoyl saxitoxin). Đến lượt các con cua biển “lạ”, thường sống xa bờ ăn phải nó sẽ bị nhiễm độc saxitoxin.

Tetrodotoxin là độc tố phát hiện nhiều nhất ở cá nóc, nhưng cũng hiện diện ở một số loài thủy sinh khác như bạch tuộc xanh, sa giông da nhám, ốc mặt trăng… Một điều thú vị là các độc tố tetraodotoxin này do các vi khuẩn cộng sinh (symbiotic bacteria), chủ yếu là nhóm Pseudomonas và Vibrio tổng hợp ra. Và cua sẽ nhiễm chất độc khi ăn các món này.

Cua lạ, sặc sỡ: Chớ dại mà ăn - 3

Đôi điều bàn luận

Thiên nhiên kỳ thú, bông hồng đẹp thường có gai, con vật đẹp, màu sặc sỡ thường hay chứa chất độc tố. Trong sách hướng đạo, khi vào rừng đa số lá xanh thường ăn được, nấm độc, cóc nhái độc thường có màu sắc đẹp hơn con bình thường.

Để phòng ngộ độc, tuyệt đối không sử dụng, không nên lấy người làm chuột “cô bay” để thử nghiệm các loại cua lạ, có nghi ngờ.

Hay nhất là theo phương châm dứt khoát cua lạ, hình kỳ quái, màu sặc sỡ: chớ dại mà ăn!

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam