“Công nghệ” giữ thức ăn không ôi thiu ngày nắng nóng

Một trong những chất thường được cửa hàng nấu ăn sử dụng có tên gọi là sămpết. Loại chất này giúp giữ thức ăn tươi, ngon, không bị thiu bất chấp nắng nóng.

“Công nghệ” giữ thức ăn không ôi thiu ngày nắng nóng - 1

Thức ăn đường phố lúc nào cũng ngon lành là nhờ sămpết? (Ảnh minh họa)
  

Có thể mua bất kỳ một hương liệu, chất tạo màu, tạo mùi nào tại chợ Đồng Xuân – Bắc Qua, Hàng Buồm… ở Hà Nội. Những chất phụ gia này không có nguồn gốc rõ ràng. Tại cửa hàng V.Y ở chợ Bắc Qua, khi hỏi mua chất làm nhừ thức ăn, bà bán hàng bảo không có. Tuy nhiên, khi hỏi đúng tên là “cần sủi” thì bà chỉ cho một túi nilon đóng cả cân, để ở góc quầy. “Chất này làm nấu thức ăn nhanh nhừ nhưng đảm bảo không hại sức khoẻ”, bà chủ hàng khẳng định.

 
 Chị H. bán chè trên phố Nghĩa Tân cho biết, những cửa hàng bán chè, ninh xương bán quán ăn chuộng nhất là “cần sủi”. Đây là chất làm nhừ thức ăn nhanh. Chất bột này có màu trắng, mịn như bột mì, thường được đóng trong túi nilon loại 1kg không nhãn mác, bao bì ghi hai chữ “cần sủi”. Giá bán 30.000 – 35.000 đồng/kg. Mỗi lần nấu chỉ cần cho một chút vào là thức ăn nhừ nhanh, tiết kiệm thời gian nấu. 
 
Cũng theo chị H., vào những ngày hè nóng bức, thức ăn dễ ôi thiu mặt hàng được nhiều người quan tâm nhất là chất bảo quản. Một trong những chất thường được cửa hàng nấu ăn sử dụng có tên gọi là sămpết để giữ thức ăn tươi, ngon, bất chấp nắng nóng vẫn không bị thiu.
 
TS Lê Thị Hồng Hảo, viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết, kết quả xét nghiệm gần đây cho thấy 17/30 mẫu hạt dưa có rhodamine B với hàm lượng trong khoảng từ 4,9 - 146,5mg/kg; 27/30 mẫu ớt bột có mặt rhodamine B với hàm lượng 20,2 - 110,2mg/kg. Còn giám đốc trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Phan Thị Sửu cho hay, kết quả kiểm tra sử dụng phẩm màu trong thực phẩm của trung tâm vừa qua trong 203 mẫu nguyên liệu gồm chín loại màu thì 100% màu xanh dương, tím nho, màu hồng đều là những màu không nằm trong danh mục cho phép và chỉ có hai trong số 32 mẫu xanh lá cây nằm trong danh mục cho phép.

 

TS Nguyễn Thị Khánh Trâm, cục phó cục An toàn vệ sinh thực phẩm, bộ Y tế, nói Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống phân tích nguy cơ và cảnh báo nguy cơ chủ động. Mặc dù đã có những đợt kiểm tra nhưng vẫn không thể phát hiện hết những sản phẩm chứa chất cấm. Thời gian tới, bên cạnh việc kiểm tra thường xuyên, cục An toàn vệ sinh thực phẩm cần tăng cường cam kết của các doanh nghiệp, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm với sản phẩm kinh doanh nhỏ lẻ”.

 

Nói về thứ bột gọi là sămpết, TS Nguyễn Xuân Lãng, chuyên gia phân tích viện Hoá học công nghiệp Việt Nam, cho biết đây có thể là một phụ gia có thành phần là kali nitrat – chất giúp thịt động vật giữ màu hồng tươi, vài ngày ở nhiệt độ thường cũng không có mùi lạ. Lạp xưởng cũng có màu đỏ tươi và lâu hỏng nhờ chất này.

 

Theo Lệ Hà

Sài Gòn tiếp thị