Công bố hết dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

(Dân trí) - Chiều 10/12/2007, Bộ Y tế đã công bố khống chế thành công dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận sau 40 ngày triển khai đồng bộ các biện pháp dập dịch.

Như vậy, kể từ trường hợp đầu tiên mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm (23/10/2007) tại quận Thanh Trì, Hà Nội, đến nay, tính chung trong cả nước có 295 ca dương tính với phẩy khuẩn tả và trên 1.900 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm (không có trường hợp nào tử vong) xuất hiện tại 13 tỉnh thành phía Bắc. Kể từ ngày 25/11/2007 đến nay, dịch tả đã được kiểm soát, không còn trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, có thể nói việc khống chế được dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm là một thành công của Việt Nam. Vì thực tế, trên thế giới đã từng xảy ra các ổ dịch tả kéo dài 2 tháng trời với số lượng mắc, tử vong, số bệnh nhân thứ phát rất nhiều. Trong khi đó tại Việt Nam, chỉ hơn 4 tuần dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã được kiểm soát hoàn toàn, không có trường hợp nào tử vong, không xuất hiện nhiều bệnh nhân thứ phát.

Tuy công bố khống chế thành công dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, nhưng phẩy khuẩn tả vẫn có khả năng tồn tại trong môi trường, nước, thực phẩm... Cùng với diễn biến phức tạp của thiên tai, lũ lụt, tác nhân gây bệnh dễ có nguy cơ trở lại, phát tán và gây dịch.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện Công điện số 1638/CĐ-TTg ngày 2/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm:

- Duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên.

- Tăng cường hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các vùng lũ lụt cần đảm bảo cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường cho nhân dân.

- Tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm các trường hợp tiêu chảy cấp, điều trị kịp thời, hiệu quả và xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát và lan rộng.

Trong dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã tặng bằng khen đợt 1 cho 70 tập thể và 85 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt phòng, chống dịch vừa qua. Bộ trưởng cũng khẳng định: Có được kết quả này là nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ngành và toàn thể xã hội, sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế.

Về việc điều tra đường lây truyền của phẩy khuẩn tả, Tổ chức Y tế thế giới vẫn đang phối hợp cùng Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ nghiên cứu. Việc tìm ra được đường lây truyền của vi khuẩn này sẽ giúp ngành y tế ứng phó nhanh hơn, hiệu quả hơn nếu dịch quay trở lại.

Hồng Hải