Thừa Thiên - Huế:

“Côn trùng lạ” gây ngứa hoàn toàn vô hại với con người

(Dân trí) - Ngày 16/11, thầy thuốc ưu tú - BS Nguyễn Võ Hinh, GĐ TT Phòng chống sốt rét ký sinh trùng - Côn trùng TT Huế cho biết: “Loại “côn trùng lạ” gây ngứa ở nhà ông Khải là loại mạt bụi nhà (phức hợp Dermatophagoides) không có khả năng gây hại người”.

  

“Côn trùng lạ” gây ngứa hoàn toàn vô hại với con người - 1

Thầy thuốc ưu tú - BS Nguyễn Võ Hinh, GĐ TT Phòng chống sốt rét ký sinh trùng - Côn trùng TT-Huế

Trước đó, ngày 24/9, Trung tâm Phòng chống sốt rét ký sinh trùng côn trùng Thừa Thiên Huế có nhận được báo cáo của ông Lê Duy Khải về việc gia đình ông gần đây xuất hiện loại côn trùng lạ, kích thước rất nhỏ như hạt bụi mà mắt thường không nhìn thấy được, đốt người gây ngứa ngáy khó chịu. Đi kèm báo cáo có gửi theo mẫu vật là chiếc khăn lau mặt bỏ trong bì ni lông bọc kín mà ông Khải cho biết có loại côn trùng lạ trong đó.

 

Ngày 27/9, đơn vị lại nhận được tờ trình của Trạm y tế phường Hương Long ngày 16/9/2010 về việc phát hiện côn trùng lạ tại thôn An Ninh Hạ, phường Hương Long, thành phố Huế với nội dung tờ trình như phần trình bày của Ông Khải. Trạm y tế đã đi điều tra và không phát hiện, nhìn thấy loài côn trùng lạ này.

 

“Côn trùng lạ” gây ngứa hoàn toàn vô hại với con người - 2

Cán bộ chuyên khoa côn trùng đang khảo sát hiện trường để tìm “côn trùng lạ” (Ảnh do BS Nguyễn Võ Hinh cung cấp)


Sau khi nhận được 2 văn bản nói trên và mẫu vật, Trung tâm Phòng chống Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng đã chỉ đạo cho Khoa Côn trùng tiến hành xét nghiệm, soi mẫu vật. Kết quả không phát hiện thấy loại côn trùng nào cả, chỉ thấy những hạt bụi nhỏ bám trên khăn. Đơn vị đã kịp thời phúc đáp bằng điện thoại cho Ông Khải và Trạm y tế phường Hương Long biết.

 

Ngày 5/11, đơn vị lại tiếp tục nhận được văn bản số 26/CV-UBND ngày 03/11/2010 của Ủy ban Nhân dân phường Hương Long về việc báo cáo xuất hiện côn trùng lạ ở địa điểm như trên và đề nghị đơn vị giúp đỡ, giải quyết. Ngày 10/11, đơn vị đã cử 2 cán bộ chuyên khoa côn trùng, phối hợp với cán bộ Trạm y tế phường Hương Long đến khảo sát thực tế tại nhà Ông Lê Duy Khải.

 

Qua lời khai của ông Khải và những vết, nốt nhỏ gây mẫn ngứa ở trên tay đối chiếu với những tài liệu mà đơn vị có được, Trung tâm xác định đây là loại mạt bụi nhà. Loại mạt này có kích thước rất nhỏ và sống ở đồ đạc như giường, gối, thảm trong nhà. Chúng ăn những mảnh vụn hữu cơ như vảy da, gầu tóc.

 
“Côn trùng lạ” gây ngứa hoàn toàn vô hại với con người - 3

Phòng ngủ ẩm thấp, tối... (Ảnh do BS Nguyễn Võ Hinh cung cấp)
“Côn trùng lạ” gây ngứa hoàn toàn vô hại với con người - 4

.... sắp xếp đồ đạc thiếu ngăn nắp, vệ sinh (Ảnh do BS Nguyễn Võ Hinh cung cấp)
“Côn trùng lạ” gây ngứa hoàn toàn vô hại với con người - 5

... là những nguyên nhân khiến cho mạt nhà phát triển, gây viêm da cho gia đình chủ nhà

Ngôi nhà Ông Khải có vách tường ngấm nước, rất ẩm thấp, chiếc giường ngủ kê ở vị trí kín, vách có độ ẩm cao. Trong điều kiện ẩm thấp như nhà ông Khải,  mạt bụi nhà có thể phát triển quanh năm, chủ yếu chúng sống ở giường, thảm, gối chăn... chúng có đỉnh phát triển vào cuối mùa hè đến đầu thu.

 

Mật độ của mạt bụi nhà gây dị ứng có thể đánh giá bằng một thử nghiệm đo độ đậm đặc của phân mạt trong bụi, nhưng hiện nay đơn vị không có thiết bị này nên chưa thể đánh giá được.

 

BS Hinh cho biết, về biện pháp ngăn ngừa mạt bụi nhà là thường xuyên vệ sinh môi trường, làm giảm độ ẩm trong nhà; phòng ngủ và phòng ở cần thông thoáng, tránh ẩm thấp. Tấm trải giường, chiếu, chăn gối được giặt giũ sạch sẽ thường xuyên sẽ làm giảm nguồn thức ăn của mạt bụi, làm giảm số lượng mạt bụi nhà.

 

Tuy nhiên các loại hoá chất diệt côn trùng hiện nay không có hiệu quả diệt được mạt bụi nhà. Có thể diệt được loại này hiệu quả bằng cách sử dụng các loại sản phẩm có chứa chất benzyl benzoat khi xử lý đệm, thảm, nệm ghế, chiếu...

 

Đại Dương