Còn khoảng 50.000 sản phụ không được nhân viên y tế đỡ đẻ

(Dân trí) - Đó là thông tin được đưa ra tại một hội nghị vừa diễn ra ở Đà Nẵng do Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em vừa tổ chức.

Theo bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế là một chỉ số quan trọng đo lường mức độ bao phủ của dịch vụ y tế cũng như phản ánh khả năng tiếp cận của người dân. Nhìn chung toàn quốc, tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế đã tăng đều từ 94,1% (2010) lên 97,5% (2014). 

Tuy nhiên, tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế vấn còn thấp. Chỉ tính riêng năm 2014, ở các khu vực như trung du và miền núi phí Bắc, tỉ lệ này là 84,4%, Tây Nguyên là 89,9%.... Điều này phản ánh tình trạng đẻ tại nhà cao.

Theo đó vẫn còn khoảng 50.000 bà mẹ đẻ không được nhân viên y tế đỡ trong toàn quốc. Nguyên nhân chính là do việc tiếp cận với các cơ sở y tế còn nhiều khó khăn và quan trọng là vẫn tồn tại phong tục lạc hậu nên bà mẹ thường đẻ tại nhà và không cho người ngoài đỡ đẻ; số lượng cô đỡ thôn bản được đào tạo đang hoạt động còn rất thấp so với nhu cầu.

Một trường hợp sinh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng
Một trường hợp sinh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng

Cũng theo bà Hồng, đến hết tháng 9/2014, cả nước có hơn 1.204.000 phụ nữ đẻ, thấp hơn cùng kỳ năm 2013. Tỷ lệ quản lý thai chung toàn quốc năm 2014 đạt 96,4%, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích theo từng vùng, đa số các vùng đều duy trì hoặc tăng tỷ lệ quản lý thai so với năm trước. Tuy nhiên, các vùng Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung vẫn là các vùng có tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý thấp hơn so với toàn quốc.

Đối với việc giảm phá thai và phá thai an toàn, bà Hồng cho biết, Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã phối hợp với các giảng viên quốc gia tổ chức giám sát đào tạo và sau đào tạo tại một số tỉnh trong cả nước. Kết quả giám sát cho thấy, các quy trình phá thai an toàn được thực hiện khá nghiêm túc, phòng thủ thuật bố trí hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, vô khuẩn, dụng cụ đầy đủ, kỹ thuật tư vấn được cải thiện.

Theo đó, số phá thai ở các vùng đều giảm, trừ vùng Đông Nam Bộ tăng nhẹ. Tỷ lệ phá thai của toàn quốc ước tính năm 2014 là 19/100. Có 392 trường hợp tai biến phá thai so với 514 ca tai biến năm 2013.

Khánh Hồng