Coi chừng nước ép quả: Thêm đường thêm bệnh

Tranh cãi nhiều nhất về nước quả thời gian gần đây là câu chuyện đường bổ sung vào nước ép hoặc xay quả. Các công bố mới nhất về mối nguy do đường bổ sung vào nước quả gây quan ngại đến mức một trường ở Anh Quốc vừa quyết định không cho học sinh uống nước quả.

Đâu cũng thấy đường

“Ngày nào, tôi cũng dùng ít nhất hai cốc sinh tố khoảng 300ml. Bao giờ tôi cũng thêm đường và sữa đặc hoặc sữa tươi. Cho 1-2 thìa café đường tùy loại sinh tố”, chị Vũ Kim Ngân, Quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ. Vị chi, mỗi ngày, chị Kim Ngân nạp thêm ít 10 - 20 gram đường từ 600ml nước ép quả.

Tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay chúng ta chưa có bất cứ nghiên cứu nào về tác dụng của nước quả đến chế độ dinh dưỡng và sức khoẻ tính đến thời điểm này. Tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhận thấy hầu hết nước ép quả hiện nay dù ở dạng công nghiệp hay sinh tố đều được bổ sung đường.

Tại Anh Quốc, theo Điều tra Dinh dưỡng&Thực đơn Quốc gia công bố trên trang chủ news.nationalpost.com ngày 16/5/2014, dân chúng nước này tiêu thụ lượng đường hằng ngày gấp 40% so với mức khuyến cáo. Đáng chú ý, mức tiêu thụ đường dư thừa đó chủ yếu đến từ nước quả.

“Lẽ ra chúng ta chỉ nên uống cùng lắm một cốc một lần trong ngày và uống trong bữa ăn”, TS Alison Tedstone, trưởng nhóm nghiên cứu nói. “Đằng này, mức tiêu thụ đường thông qua nước quả đã vượt quá 4 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới”.

Tôi thực hiện tiếp một khảo sát nhỏ tại năm quán café và nước ép ở Hà Nội. Hai quán ở Quận Cầu Giấy. Tại Quận Hai Bà Trưng, Quận Ba Đình và Quận Hà Đông, mỗi quận, tôi ghé một quán. Tại bốn quán café đầu, khi nhân viên mang nước quả tới, tôi hỏi có cho thêm đường vào không. Câu trả lời đồng loạt là “Có”.

“Với cốc sinh tố dưa hấu của chị, em cho thêm một thìa coffee đường và một thìa coffee sữa đặc”, nhân viên phục vụ tại một quán café ở Đường Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông, nói.

Tại một cửa hàng nước trái cây trên Đường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, vừa uống ngụm sinh tố xoài đầu tiên, tôi thấy vị ngọt đậm gắt đến khé cổ. Nhân viên phục vụ giải thích “Em có thêm đường để tăng vị đậm”. Đến quán café thứ năm trên Đường Trần Quốc Hoàn, Quận Cầu Giấy, tôi gọi một cốc nước ép táo và xin anh chủ quán cho xem quy trình chế biến. Hai phút sau quy trình, cốc nước ép táo hoàn thành. Thấy anh định cho đường vào, tôi nói “Nước ép thế nào em muốn uống y nguyên vậy”. “Nhiều loại táo ép ra nhạt lắm”.

Ngày 11/2/2014, tờ báo mạng chuyên ngành www.medicalnewstoday.com trích đăng cảnh báo của hai nhà nghiên cứu Scotland trên Tạp chí The Lancet rằng nước quả với lượng đường bổ sung nhiều nguy hiểm không kém các đồ uống có đường khác.

Ngộ nhận tai hại

“Nước ép quả có cùng mật độ năng lượng và hàm lượng đường như các đồ uống có đường khác. Chẳng hạn, 250ml nước táo ép bình thường chứa 110 kcal năng lượng và 26 gram đường. Trong khi đó, 250 ml đồ uống cola chứa 105 kcal năng lượng và 26,5 gram đường”, Giáo sư Naveed Sattar.

Xài nước ép không lo gì đường là quan điểm của khá nhiều người tiêu dùng hiện nay khi họ từ bỏ đồ uống ngọt có gas.

“Mình hay mua nước ép đóng chai cho cả nhà dùng. Mình nghĩ, nước ép trái cây ít đường, ít độc hại hơn nước ngọt có gas”, chị Dư Ái Huệ Chi, 32 tuổi, Quận Tây Hồ nói.

“Mùa hè, ngày nào em cũng thích dùng nước quả. Đi học, em hay mua sinh tố. Ở nhà, mẹ xay cho em uống. Thêm chút đường chắc cũng không sao”, Nguyễn Vân Anh, học sinh cấp hai ở Quận Hà Đông, Hà Nội.

Nước ép quả chỉ được đưa vào vòng ngắm kể từ khi các chuyên gia y tế bắt đầu xem xét mối quan hệ giữa chế độ ăn hàm lượng đường cao với nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Năm 2012, các nhà nghiên cứu ở Đại học Harvard thông báo trên Tạp chí Circulation rằng dùng hằng ngày đồ uống có đường làm tăng nguy cơ bệnh tim ở nam giới. Hai năm trước đó, tại một diễn đàn của Hội Tim Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu cho rằng đồ uống có đường làm tăng các bệnh về tim và tiểu đường trong thập kỷ vừa qua.

Trong công trình của mình và cộng sự đăng trên The Lancet Diabetes & Endocrinology (The Lancet, chuyên đề tiểu đường và nội tiết học) Tiến sỹ. Jason Gill, Học viện Y khoa & Tim mạch thuộc Đại học Glasgow, Scotland, cảnh báo: “Dường như có sự nhầm lẫn lớn cho rằng nước ép quả và sinh tố quả (smoothies) là những đồ uống ít đường thay thế cho các đồ uống có đường”.

Giáo sư Naveed Sattar là nhà khoa học chuyên về y học chuyển hoá và là đồng tác giả công trình nói trên cùng Tiến sỹ Jason Gill. GS Naveed Sattar cho biết, các nghiên cứu bắt đầu chỉ ra rằng, không giống với hoa quả ở trạng thái rắn tự nhiên dường như giúp giảm hoặc kìm hãm nguy cơ tiểu đường, nước ép quả liên quan đến làm tăng nguy cơ tiểu đường.

“Một cốc nước quả thường chứa lượng đường lớn hơn so với một quả được dùng để ép làm cốc nước quả đó. Ngoài ra, nhiều thứ bổ dưỡng khác trong quả, như chất xơ chăng hạn, không tìm thấy hoặc có rất ít trong nước quả ép”, ông nói.

 - ảnh 1
Một cốc nước quả thường chứa nhiều đường hơn so với một quả được xay ra để làm cốc nước quả đó (Ảnh: Dailymail).

Tiêu hoá không kịp

Lượng đường thu được từ nước ép thường cao hơn mức chúng vốn có trong trái cây. Nước ép trái cây làm tăng lượng đường trong máu và, vì thế, có thể gây béo phì.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, điểm khác nhau mấu chốt giữa uống nước ép và ăn quả tươi là quá trình tiêu hóa của dịch nước quả diễn ra nhanh hơn nhiều so với ăn trực tiếp quả tươi.

“Người bị tiểu đường sẽ gặp nguy hiểm nếu sử dụng nước ép vì dễ làm hàm lượng đường trong máu tăng đột ngột”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói. “Chỉ quả tự nhiên, hoa quả miếng, mới giúp quá trình tiêu hóa diễn ra từ từ, đúng với khả năng tự nhiên vốn có của hệ thống chuyển hoá”.

"Nước quả và nước sinh tố là những mối nguy hiểm mới”, Giáo sư Barry Popkin, chuyên gia Dinh dưỡng, Đại học North Carolina (Mỹ), chia sẻ. “Chúng chứa quá nhiều đường”.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, đường đã trở thành mối nguy hiểm tương đương rượu hay thuốc lá. Giáo sư dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Liverpool, Anh, Simon Capewell, mô tả đường là một loại thuốc lá mới.

Trong công trình của mình, Tiến sỹ Jason Gill và cộng sự mô tả một thí nghiệm mà ở đó các đối tượng tham gia được uống nửa litre nước nho nguyên chất mõi ngày và uống trong ba tháng. Kết quả cho thấy, mặc dù nước ép nhỏ chứa hàm lượng các chất chống oxy hoá cao, đồ uống này vẫn làm tăng hàm lượng insulin và làm cho vòng eo của những người quá cân to lên.

“Cho dù nước quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất mà nhiều đố uống có đường khác không thể có, hàm lượng dưỡng chất trong các nước quả đó không đủ để bù đắp lại các tác động có hại đến sức khoẻ, trong đó có việc gây rối loạn chuyển hoá nếu uống nhiều”, TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nhận xét.

 - ảnh 2
Cốc nước quả ép hỗn hợp này là tuyệt vời cho mọi loại da

Hầu như không biết

Các nhà nghiên cứu vừa công bố một cuộc thăm dò trên mạng xã hội về nhận thức của công chúng đối với vấn đề đường trong nước quả.

Theo đó, khoảng 2.000 người trưởng thành được kiểm tra nhận thức chung về hàm lượng đường trong nước quả. Những người tham gia thăm dò được yêu cầu nhìn vào ảnh các thùng đựng đồ uống không cồn và ước đoán mỗi thùng đồ uống đó chứa khoảng bao nhiêu thìa đường.

Kết quả cho thấy thậm chí cho dù tất cả các loại đồ uống có cùng hàm lượng đường, nhìn chung các phiếu trả lời đều đánh giá hàm lượng đường trong nước quả và nước sinh tố thấp hơn so với thực tế 48%  trong khi với nhóm đồ uống có gas khác lại đánh giá cao hơn 12%.

“Như vậy, trái với nhận thức chung của dư luận và của nhiều chuyên gia chăm sóc sức khoẻ thường cho rằng nước quả tốt cho sức khoẻ, điều tra của các nhà khoa học Scotland cho thấy xài nước quả dường như không tạo cải thiện đáng kể nào về mặt sức khoẻ so với các đồ uống ngọt khác”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhận xét sau khi đọc bài “Fruit juice 'as bad' as sugary drinks” (nước quả tệ chẳng khác gì nước ngọt) đăng trên tờ báo mạng chuyên ngành http://www.medicalnewstoday.com/ ngày 11/2/2014.

Trước sự tấn công của đường thông qua nước ép quả, ngày 15/5/2014, lần đầu tiên các chuyên gia dinh dưỡng Anh khuyến nghị mức nước ép quả tối đa được tiêu thụ mỗi chỉ nên giới hạn 150ml.

Theo TS Từ Ngữ, vì sức khoẻ giống nòi, đã đến lúc Việt Nam cần làm gì đó với nước quả. Không thể làm mạnh như ở Mỹ đang diễn ra cuộc vận động kêu gọi loại trừ nước quả khỏi thực đơn giành cho trẻ em ở trường học. Cũng khó có thể vận động ban hành quy định giảm lượng tiêu thụ nước quả hằng ngày trên mỗi đầu người như nước Anh đang làm.

“Tuy nhiên, xét trên bình diện chính sách y tế, định hướng giảm tiêu thụ các đồ uống có đường cần được bao gổm cả nước quả ép. Đã đến lúc cần xét đến việc tăng thuế đánh vào các mặt hàng nước ép quả thay vì chỉ nhắm vào các đồ uống ngọt có gas. Và cuối cùng, cần xem xét lại chính sách thực phẩm quốc gia không chỉ hướng đến giảm chất béo bão hoà mà còn đồng thời giảm cả hàm lượng đường tinh chế”, TS Từ Ngữ nói.

 

Joanna Vargas, chuyên gia thẩm mỹ nổi tiếng New York, Mỹ, khoe giảm eo và cải thiện được làn da nhờ uông lượng lớn nước quả tươi.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chỉ riêng việc cô chấm dứt dùng coffee hay 4:00 Starbucks vốn là món khoái khẩu như mọi khi, cộng với  tăng cường luyện tập, cũng đã có tác dụng tích cực đến sức khoẻ và vẻ đẹp của làn da.

Hơn nữa, điều quan trọng nhất là, trong bốn công thức nước ép quả hốn hợp mà Vargas giới thiệu với khách hàng, tuyệt nhiên không thấy có thành phần đường bổ sung.

* Trường học cấm cửa nước quả

Sau một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ công bố nước ép chứa nhiều đường, độc hại hơn cả nước uống có gas như Coca Cola hay Pepsi, trung tuần tháng 1/2014, Trường Tiểu học Valence ở Dagenham, phía đông London (Anh), gửi thư thông báo tới các phụ huynh về quy tắc mới mà nhà trường đưa ra là tịch thu nước trái cây từ hộp ăn trưa của trẻ em. Thay vào đó, học sinh sẽ chỉ được phép uống nước.

Tại Mỹ, tháng 2/2014, một dự luật mới đề xuất dán thẻ cảnh báo sức khỏe trên vỏ các sản phẩm nước ngọt như đối với sản phẩm thuốc lá.

Nguồn: Telegraph, Mercurynews.

* Đừng tin các nghiên cứu

Nhiều thông tin (về tác hại của nước quả) không có ý nghĩa. Nước quả tươi tốt hơn hẳn nước uống ngọt có gas. Đường fructose trong nước quả tươi có hoạt động phân tử khác với fructose trong đường chế biến và các chất tạo ngọt. Bởi thế, nó được tế bào hấp thụ dễ dàng và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến insulin cũng như các hormone khác.

pH trong nước quả có tính kiềm trong khi pH ở đồ uống gas hay các thức uống không cồn có tính acid. Enzyme trong nước quả tươi cũng hoạt động theo cơ chế khác trong cơ thể. Nó trung hoà các gốc tự do và cải thiện chức năng của hệ miễn dịch.

Chúng ta có thể thấy những người uống nhiều nước ép quả trở nên sung mãn hơn, có nước da được cải thiện rõ rệt và ít khi ốm. Và khi bị ốm, họ hồi phục nhanh hơn những người không hoặc hiếm khi uống nước quả và nước rau.

Uống nước rau và quả, nhất là nước quả, được chứng minh là có hiệu quả cho sức khoẻ. Từ thời thượng cổ cho đến nay, các nhà khoa học không thể phủ nhận được sự thật này. Thay vào đó, họ chỉ có thể nghiên cứu tìm ra ngày càng nhiều tác dụng tích cực của rau và quả tươi mà thôi. Đó lại là chuyện khác”.

Theo Universityherald.com

Theo Trương Thị Ngọc Thuỳ

Tiền phong