Có nên vắt sữa mẹ bằng dụng cụ hút sữa?

Vắt bằng máy hay bằng tay đều như nhau và đều sẽ bị đau nếu không làm đúng cách. Quan trọng là bảo đảm vệ sinh khi vắt sữa (luộc sôi bình sữa, dụng cụ vắt sữa, lau sạch đầu vú trước khi vắt sữa...). Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng việc vắt sữa bằng dụng cụ.

Một số thắc mắc của bạn đọc hỏi về lợi hại của phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ gián tiếp: vắt sữa để sẵn trong tủ lạnh cho trẻ bú khi mẹ vắng nhà; xử lý số sữa thừa bằng cách uống lại, lấy làm sữa chua... Chúng tôi đã liên hệ với TS.BS Khu Thị Khánh Dung, Phó giám đốc bệnh viện Nhi TƯ để nhờ giải đáp những thắc mắc này:

 
Hạn chế vắt sữa mẹ bằng máy
Có nên vắt sữa mẹ bằng dụng cụ hút sữa? - 1

Bầu sữa của mẹ to hay nhỏ, đẹp hay xấu không ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Có nhiều bà mẹ có bộ ngực đồ sộ nhưng lại không nhiều sữa bằng mẹ ngực nhỏ. Đó là do tuyến sữa của từng người khác nhau. Mỗi ngày người mẹ có thể vắt sữa nhiều lần và sữa được vắt ra phải để ngay vào tủ lạnh. Trước đây, chúng ta khuyến khích các bà mẹ thừa sữa cho trẻ khác bú nhờ. Tuy nhiên, hiện có nhiều bệnh truyền nhiễm có thể lây qua sữa mẹ nên cách này đã được khuyến cáo không nên.

 

Thời xưa để vắt sữa mẹ, người ta chủ yếu dùng bằng tay. Giờ đây, các loại bình vắt, máy vắt sữa lần lượt ra đời. Thực tế chưa có trường hợp nào núm vú bị to ra do sử dụng dụng cụ hút sữa, vì vậy những lo ngại của một số bà mẹ có thể do tâm lý. Cũng không có chuyện vắt bằng các dụng cụ sữa sẽ không nhiều và mất dần đi. Vắt bằng máy hay bằng tay đều như nhau và đều sẽ bị đau nếu không làm đúng cách. Quan trọng là bảo đảm vệ sinh khi vắt sữa (luộc sôi bình sữa, dụng cụ vắt sữa, lau sạch đầu vú trước khi vắt sữa...). Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng việc vắt sữa bằng dụng cụ. Chỉ nên sử dụng trong những trường hợp muốn duy trì nuôi con bằng sữa mẹ nhưng không thể như: trẻ thiếu tháng phải gửi phòng dưỡng nhi, mẹ bị bệnh lý về vú (núm vú lõm, đầu vú ngắn), mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được, nứt đầu vú gây nên áp xe vú, nhiễm trùng… Hút sữa mang tính cơ học, hút mãi sẽ hết. Còn cho con bú trực tiếp sẽ kích thích sữa bài tiết nhiều hơn. Khi bé bú mẹ ngoài việc miệng ngậm vú, tay chân sờ người mẹ cũng sẽ tăng thêm tình cảm mẹ con.

 

Làm sữa chua bằng… sữa mẹ?

 

Ai làm mẹ có lẽ cũng đã từng nghe lời khuyên của bác sĩ: “Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” và “Hãy cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời”. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện thường xuyên việc này. Vì vậy sáng kiến vắt sữa cho vào bình và bảo quản trong tủ lạnh để trẻ uống cả ngày là rất tốt. Như vậy, trẻ vẫn được bú sữa mẹ khi mẹ đi làm vắng nhà, vừa đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng mà lại không bỏ phí sữa mẹ.

 

Tuy nhiên, cần lưu ý sữa trước khi cho trẻ uống phải ngâm nước ấm cho nóng lại. Tuyệt đối không đun bằng lửa vì sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất kháng thể. Ở nhiều nước có ngân hàng sữa mẹ, do sữa đã được tiệt trùng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên có thể để lâu hàng tuần hay đến cả tháng. Riêng với Việt Nam hiện chưa có ngân hàng này, sữa mẹ khi vắt ra thiếu các điều kiện bảo quản, nên để đảm bảo chất lượng và không mất vệ sinh thì chỉ nên cho trẻ dùng trong ngày.

 

Trong thực tế cũng có không ít bà mẹ vì tiếc nguồn sữa đã vắt ra nhưng trẻ bú không hết nên đã tận dụng uống lại. Điều này cũng tương tự như cho trẻ dùng sữa mẹ, không hại gì, miễn vẫn bảo đảm vệ sinh. Gần đây, lại có thêm sáng kiến tận dụng lượng sữa dư này để làm sữa chua. Xét về giá trị dinh dưỡng, sữa mẹ làm sữa chua cũng rất ngon và bổ nên có thể sử dụng giống như dùng sữa thông thường. Tuy nhiên xét về giá trị nhân văn, lấy sữa mẹ ra làm sữa chua để bán hay cho nhiều người thưởng thức là không nên, chưa kể lấy nhiều quá còn ảnh hưởng đến sức khoẻ người mẹ. Vì vậy sáng kiến trên chỉ nên áp dụng với lượng sữa trẻ bú còn thừa và chủ yếu để cho người mẹ hay trẻ sử dụng.

 

Theo Lệ Hà

SGTT